Đền Cả Du Đồng - Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đang bị xuống cấp nghiêm trọng Nếu được tận mắt chứng kiến di tích Đền Cả ở thôn Vĩnh Thuận, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, không ai nghĩ đây là di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp Quốc gia bởi sự xuống cấp nghiêm trọng.

 Di tích lịch sử của thời kỳ xây làng, dẹp giặc
 
Đền Cả, thuộc địa phận thôn Vĩnh Thuận, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Trước đây thuộc thôn Vĩnh, tổng Du Đồng, Phủ Đức Thọ. Ngôi đền được nhân dân địa phương xây dựng từ cuối đời nhà Lê, thờ ông Bùi Thúc Ngật, dòng dõi công thần triều Lê Bùi Bị, đậu Hương Cống (Cử nhân), giữ chức Chánh đội trưởng, Phó thiên hộ kiêm Tổng giáo quan tại trại quan Đồng Công, người có công tổ chức khai hoang, mở cõi, chiêu dân, lập nên nhiều xóm làng của tổng Du Đồng, truyền bá, mở mang nghề nông trang (nông nghiệp và dâu tằm), mở trường dạy học đầu tiên cho nhân dân cả vùng phía tây huyện Đức Thọ ngày nay.
 
Đền Cả Du Đồng còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của nghĩa quân, là vị trí tiền tiêu, tiếp nhận lương thực, tuyển mộ quân sĩ của nghĩa quân Phan Đình Phùng trong kháng chiến chống Pháp những năm (1887-1888); nơi cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến dạy học (1903 -1904); nơi thành lập Tổng uỷ Du Đồng của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930, nơi treo cờ đỏ sao vàng ngày 21/8/1945 trong cao trào tổng khởi nghĩa tháng 8/1945…


 Theo người dân kể lại thì Đền Cả Du Đồng trước đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật, tuy quy mô không đồ sộ nhưng rất đẹp và uy nghiêm, với những mảng chạm khắc tinh xảo độc đáo và uyển chuyển tuyệt vời. Đền Cả Du Đồng bao gồm nhà Tam quan, hạ, trung và thượng điện, bố cục theo kiểu chữ Tam ngoảnh mặt về hướng Tây Nam. Trước đền có một dãy ao hồ quanh năm đầy nước tạo nên thế cận thuỷ cho đền, trong đền và sau đền có 2 cây cổ thụ, dư âm người xưa, nơi mà Vua Quang Trung dừng chân trên đường dẹp giặc. Sau đền có con sông nhỏ Hắc Giang lượn vòng uốn khúc ôm lấy thôn Vĩnh rồi đổ ra sông Ngàn Sâu, chảy xuôi về biển cả.
          500 năm nhìn lại
Đến nay cảnh quan đã có nhiều thay đổi, con sông phía trước đã bị lấp bồi, hai cây cổ thụ không còn nữa, 3 ngôi nhà trong khu đền đã bị xuống cấp, cách bài trí trong đền lộn xộn, lối đi lại ra vào đền nhỏ, hẹp… Năm 1992, Đền Cả được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và đã qua 4 lần tu sửa, đầu tư theo kiểu chắp vá, không bài bản. Là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nhưng tại đây không có lực lượng bảo vệ và hướng dẫn viên, thuyết minh viên, sắm sanh quét dọn. Người và gia súc, gia cầm tự do vào ra. Hầu hết các trụ đỡ mái che đều đã bong tróc, rất nhiều trụ bám đầy phong rêu. Nhìn từ trong ra ngoài không ai nghĩ đây là Di tích Lịch sử Văn hóa đã được công nhận cấp quốc gia.
Người xưa khi xây đền mọi ý tưởng được thể hiện trong mỗi nét hoa văn, đến cả quần thể mọi vạn vật, cây cỏ, hoa lá đều tươi xanh. Sau 500 trăm cây cối tàn úa chết mòn, không còn tường bao xung quanh, các pho tượng chính không thấy đâu chỉ còn lại 2 tượng quan văn và quan võ đứng chầu chơ vơ với nhau. Hòm công đức được làm bằng tấm nhôm dày, đinh, ốc được buộc chặt vào cột trụ chính ngay cạnh lư hương, đối diện thượng điện, du khách đến thắp hương đập vào mắt mình là chiếc hòm công đức xấu xí, hoen rỉ, choán cả tầm nhìn bên phải thượng điện. Biết chúng tôi băn khoăn về vấn đề này, một người dân nhà ở cạnh đền nói, các anh góp ý rất đúng, vẫn đề này cũng rất nhiều người góp ý, tới đây chúng tôi sẽ bàn bạc đưa hòm công đức ra phía sau.
Thay cho lời kết!
Với một ngôi đền được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia đang bị xuống cấp nghiêm trọng như trên. Trong lúc đó đất nước ngày một phát triển, nông thôn mới mọi nơi, mọi lúc từ đường làng, ngõ xóm thi đua xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu. Trường học, trụ sở các cấp, các công sở làm việc đều được đầu tư xây dừng khang trang. Ngược lại đối với một di tích lịch sử văn hóa của một thời dựng nước lại bị các cấp chính quyền địa phương quên lãng như bỏ hoang. 
Qua tìm hiểu của người dân ở đây chúng tôi được biết, trước đây, khi mới được công nhận Di tích Quốc gia, huyện đã thành lập Ban quản lý Khu di tích  gồm có lãnh đạo phòng văn hóa huyện, lãnh đạo xã, lãnh đạo thôn, đủ các thành phần ban bệ, thế nhưng đến nay việc quản lý trên đều phó mặc cho các cụ cao tuổi của thôn, cả năm không thấy cán bộ văn hóa của huyện đến kiểm tra, thăm viếng, cán bộ xã cũng rất ít khi đến. Sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng hầu như không có.
Thiết nghĩ đối với một di tích lịch sử văn hóa quý hiếm đang bị xem thường, xuống cấp nghiêm trọng, không thể phát huy được giá trị văn hóa lịch sử bởi sự thờ ơ trong quản lý, bảo vệ của các cơ quan chức năng, vì thế cần lắm một cái nhìn trân trọng hơn, thấu đáo hơn về tầm quan trọng của Di sản văn hóa quốc gia như là trường học cho muôn đời sau.
Nét rêu phong, cổ kính của ngôi Đền Cả, nằm ở một vị trí đắc địa như thế này, nếu được đầu tư nâng cấp chắc chắn đây sẽ trở thành điểm đến du lịch tâm linh mỗi khi du khách đến quê hương Đức Thọ, ghé thăm bến Tam Soa, thắp hương tưởng nhớ nơi khu mộ Tổng bí thư Trần Phú, sẽ ghé chiêm ngưỡng Đền Cả nơi tụ hợp nét văn hóa tâm linh độc đáo.

Nguyễn Trọng Thắng Viện Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa

Print