VIỆN NGHIÊN CỨU & BẢO TỒN VĂN HÓA


Cây thị hơn 700 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Ngày đăng: 28/04/2024Xem:

990

Sáng ngày 19/7, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức lễ đón Bằng công nhận cây thị hơn 700 năm tuổi ở thôn Kim Sơn là Cây Di sản Việt Nam.

 
Trao bằng cây Di sản Việt Nam cho lãnh đạo xã Kim Hoa và đại diện dòng họ Nguyễn ở Kim Hoa

Tham dự sự kiện này có: Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam; Phùng Quang Chính - Phó Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam.

Cây thị 700 năm tuổi ở xã Kim Hoa có chiều cao từ 45 - 50m, cành lá xum xuê, chu vi thân cây khoảng 5 - 6 người ôm. Phía trong gốc thân cây rỗng, có thể chứa được 4-5 người. Người dân lập đền thờ dưới gốc cây thị, đặt tên là “Gốc thị sử tích” hay còn gọi là “Cây thị ăn thề”.

Theo lời truyền miệng của Nhân dân, cây thị gắn liền với lịch sử chống quân Minh xâm lược vào thế kỷ XV (năm 1425, cách đây gần 600 năm). Tương truyền rằng, vào những năm đầu của thế kỷ XV, khi cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh của vua Lê Lợi ở Lam Sơn (Thanh Hóa) gặp khó, nhà vua đã quyết định kéo quân di chuyển vào vùng đất Đỗ Gia (tức Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay) để lập căn cứ địa.

Khi vào đến Hương Sơn, nhà vua bị giặc Minh truy đuổi, quân tướng nhà vua vượt sông Ẩn Giang, qua bãi lầy xóm Thịnh, làng Cổ Đậu thì phát hiện thấy cây thị xum xuê cổ thụ, phần gốc bị rỗng ruột, vua Lê Lợi được thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện cùng đội quân chỉ dẫn chui vào ẩn nấp trong hốc cây thị này.

Khi giặc Minh đuổi đến gần cũng là lúc trời nhá nhem tối khó tìm ra vết tích, chúng bèn ra lệnh thả bầy chó săn bao vây xung quanh cây thị. Trong lúc tính mạng của nhà vua đang hết sức lâm nguy bỗng dưng xuất hiện con cáo to đốm trắng ngồi trên ngọn cây thị. Khi đàn chó xuất hiện, cáo trắng sợ nên từ trên cao nhảy xuống rồi bỏ chạy thục mạng. Thấy thế, đàn chó săn cùng đội binh lính nhà Minh thi nhau đuổi, nhờ vậy mà vua Lê Lợi mới thoát nạn.


GS.TS Hồ Trọng Ngũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa bên cây thị 700 tuổi

Cũng theo tương truyền, tại gốc cây thị, Lê Lợi và thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đã cùng giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề, thể hiện quyết tâm đồng lòng đánh giặc Minh.

Sau khi đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Tuấn Thiện được phong là khai quốc công thần. Người dân địa phương từ đó về sau vẫn luôn lưu truyền câu thơ nói về giai thoại lịch sử: “Cắt tóc, giết ngựa trắng/ Dưới gốc thị thề nguyền/ Nguyện đồng tâm đồng chí/ Phá giặc xây cơ đồ”.


Phía trong gốc thân cây thị rỗng, có thể chứa được 4-5 người

Vì cây thị gắn liền với lịch sử và thời gian dài như thế, nên đầu tháng 3/2023, chính quyền xã Kim Hoa đã gửi văn bản và các tư liệu liên quan tới Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề xuất công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Đến ngày 29/5/2023, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã ra Quyết định số 114/QĐ-HMTg công nhận cây thị tại thôn Kim Sơn, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh là Cây Di sản Việt Nam.

 

Comments on social media
THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Mỗi dân tộc, có một nền tảng đạo lý căn bản của sự tồn tại. Chính nền tảng đạo lý đó tạo ra bản sắc văn hóa của dân tộc. Cái Đạo dân tộc thường xuyên thấm nhuần sâu sắc trong cái Lý căn bản của hệ thống pháp luật. Cả hai phương diện Đạo và Lý đó đều phải được xử lý sâu sắc và nhuần nhuyễn trong mọi vấn đề của TTATXH để có một xã hội ổn định và phát triển..