VIỆN NGHIÊN CỨU & BẢO TỒN VĂN HÓA


Chí sỹ Mai Lão Bạng - Người công giáo yêu nước, kính chúa, thương dân

Ngày đăng: 28/04/2024Xem:

601

Mai Lão Bạng - gương mặt Giáo dân tiêu biểu của đồng bào Công giáo Việt Nam trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX, ông đã dành thời gian hơn 35 năm ngược xuôi theo đuổi sự nghiệp tìm đường cứu nước cùng với nhà yêu nước Phan Bội Châu. Trong suốt thời gian ấy ông đã nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam, tra tấn cực hình, nhưng vẫn một lòng đi theo chính nghĩa, tìm mọi cách để cứu nước, cứu dân. Chí hướng mà ông theo đuổi đã có ảnh hưởng tích cực đối với đồng bào công giáo vùng Nghệ -Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung lúc bấy giờ.

Mai Lão Bạng sinh năm 1866 trong một gia đình theo đạo Công giáo thuộc Giáo xứ Dụ Thành, làng Quảng Ích, tổng Đậu Chử, nay là thôn Hoàng Dụ, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Thủa nhỏ, ông học chữ Hán ở quê rồi được gửi ra học tại Đại chủng viện Xã Đoài (Vinh-Nghệ An). Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm thầy giảng, với tên gọi là "Gioan Baotixita Mai Văn Châu" (sau này hoạt động cách mạng đổi tên là Mai Lão Bạng). Trong quá trình giảng dạy Đại chủng viện, ông đã nhìn thấy được nỗi khổ của người dân nô lệ, sự quản chế gắt gao đối với học sinh, sự bất bình đẳng giữa giáo sĩ người Pháp và người Nam.... Từ đó, trong tâm thức của ông đã rực sáng một ý tưởng:  ” Yêu Chúa là yêu nước, muốn cứu Chúa là phải giải phóng dân tộc”. Ông có người bạn cùng học, cùng chí hướng là Lê Khánh, quê huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Hai ông đã liên lạc với các linh mục yêu nước Nguyễn Tường, Nguyễn Thần Đồng, Đỗ Quang Lĩnh, được đọc “tân thư”, mở rộng sự hiểu biết và trở thành những người hoạt động yêu nước hăng hái. Chính hai ông, Mai Văn Châu và Lê Khánh đã giúp các linh mục xây dựng một mạng lưới gồm những người yêu nước trong đồng bào giáo để đến khoảng cuối 1904, đầu 1905, hình thành một tổ chức cách mạng lấy tên "Duy tân giáo đồ hội", đứng đầu là các linh mục Tường, Đồng, Lĩnh, hoạt động theo tôn chỉ của Hội Duy tân do Phan Bội Châu lãnh đạo.

Năm 1908, Duy tân giáo đồ Hội cử Mai Văn Châu (tức Mai Lão Bạng) xuất dương sang Nhật Bản để giới thiệu những người giáo đồ nhập hội Duy Tân. Tại đây ông cùng 10 giáo đồ đã gặp cụ Phan Bội Châu để bàn việc cứu nước. Mai Lão Bạng được giao nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động giáo đồ. Ông đã viết nhiều tài liệu tuyên truyền có giá trị, trong đó có cuốn sách: “Lão Bạng phổ khuyến thư”. Tháng 8-1908, Phan Bội Châu đã cho in 200 bản “Phổ khuyến” tại Nhật Bản gửi về nước cùng với bức ảnh Phan Bội Châu và Mai Lão Bạng chụp chung. Nội dung bản sách “Phổ khuyến” đã có tác động ảnh hưởng mạnh mẽ tới các giáo đồ trong và ngoài nước lúc đó.

Cuối năm 1908, Nhật Bản bắt tay với Pháp, ra lệnh giải tán Công hiến hội - tổ chức của học sinh Đông du; trục xuất nhà cách mạng Phan Bội Châu cùng các nhà yêu nước và học sinh Việt Nam ra khỏi nước Nhật. Nhiều người đã phải bỏ sang Trung Quốc, Mai Hữu Bạng qua Xiêm. Vừa đặt chân đến đất Xiêm, Chính phủ Xiêm liền bắt giam ông theo yêu cầu của Pháp. Sau bốn tháng ngồi tù, ông lại bị trục xuất khỏi đất Xiêm... Sau khi bị trục suất, ông sang Hương Cảng để gặp Phan Bội Châu, chưa gặp được  Phan Bội Châu ông đã bị nhà đương cục Anh bắt giam ba tháng rồi trục xuất khỏi Hương Cảng vào năm 1909. Cùng thời gian này, tổ chức Duy tân giáo đồ Hội ở Nghệ Tĩnh cũng bị phá vỡ. Ngày 12-6-1909, ba linh mục Tường, Đồng, Lĩnh bị bắt rồi bị kết án, đày đi Côn Đảo. Hàng trăm đồng bào Giáo cũng bị bắt bớ, tù tội. Bản thân Mai Lão Bạng cũng bị kết án vắng mặt tại tòa án Nam triều ở Vinh ngày 3-9-1909. Trong lúc này, gia đình ông cũng bị liên lụy, em trai ông là Mai Văn Huyền đang học Tiểu chủng viện, cũng bị đuổi và bị truy nã, phải trốn vào Quảng Bình ở với cha Kiểm, sau mới trở về quê Kỳ Anh. Tới đầu năm 1910, sau nhiều lần móc nối, cuối cùng ông cũng gặp lại được cụ Phan Bội Châu ở Quảng Đông. Lúc này một bộ phận các nhà yêu nước từ Nhật, Trung Quốc về, từ trong nước sang, tập trung ở Xiêm. Mai Lão Bạng tiếp tục được cử sang Xiêm cùng với ông Đặng Thúc Hứa để xây dựng căn cứ ở trại cày Bản Thầm, tính kế lâu dài. Trong lúc gặp khó khăn, tư tưởng diễn biến phức tạp, nội bộ có sự bất hòa, Mai Hữu Bạng đã cùng với Phan Bội Châu phải tìm mọi cách giải quyết để ổn định tình hình. Chính ông đã viết bài thơ “Khuyên đồng tâm” dài tới 178 câu với lời lẽ chân thành, tha thiết, góp phần giải quyết những sự bất đồng, xây dựng mối tương thân tương ái một cách hữu hiệu.

Đến năm 1911, cách mạng Tân Hợi nổ ra ở Trung Quốc, Phan Bội Châu và một số yếu nhân trong đó có Mai Lão Bạng đã sang Trung Quốc cùng các thành viên hoạt động bên đó bàn việc cải tổ Hội Duy tân cho phù hợp với tình hình mới. Cuộc họp diễn ra vào đầu tháng 2/1912 đã quyết định thành lập Việt Nam Quang phục hội (thay thế Hội Duy tân) với tôn chỉ “Đánh đổ giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam và thành lập nền Cộng hoà dân quốc Việt Nam”. Hoàng thân Cường Để được bầu làm Hội trưởng (Bộ trưởng Tổng vụ bộ), Phan Sào Nam (Phan Bội Châu) làm Tổng lý (Phó bộ trưởng), Mai Lão Bạng và Đặng Tử Mẫn là Kinh tế bộ ủy viên. Tháng 8-1912, cụ Phan Bội Châu cải tổ Quang phục hội thêm một bước, cho phép hội viên người Trung Quốc giữ một số chức vụ, cử Lê Lộc Nam làm Tổng trưởng còn Mai Lão Bạng làm Phó tổng trưởng Bộ Tài chính. Để được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của những người cách mạng Trung Quốc, Phan Bội Châu còn lập thêm một tổ chức mới, "Hội Chấn Hoa Hưng Á". Mai Lão Bạng cùng với Dương Trấn Hải (y sĩ Tây y, người Đài Loan, chạy sang Quảng Đông, gia nhập Hội), được cử trông coi việc bốc thuốc, chữa bệnh và buôn bán thuốc ở Hiệu thuốc “Đông Bằng y xã”. Đây là cơ sở làm kinh tế, bảo đảm cho Hội hoạt động, cũng là trụ sở chính của Hội. Chính thời gian này, Mai Lão Bạng đã có dịp nghiên cứu sâu về Đông y.

Đầu năm 1913, Hội Việt Nam Quang phục thực hiện đường lối cách mạng bạo động, cử người về hoạt động trong nước, nhưng sau hai vụ ném bom tại Thái Bình (12-4-1913) giết Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn, và đặt bom tại Khách sạn Hà Nội (26-4-1913) giết hai viên sỹ quan Pháp Chapuis, Mongrand và làm bị thương 6 tên khác, chính quyền thực dân Pháp đã ra sức đàn áp phong trào cách mạng ở trong nước.

Giữa năm 1913, ở Quảng Đông Trung Quốc có binh biến. Đô đốc Trần Cảnh Hoa, một người có cảm tình với cách mạng Việt Nam, phải bỏ chạy. Long Tế Quang đưa quân tới, tự nắm quyền Đô đốc. Toàn quyền Pháp ở Đông Dương là Albert Saraut, đích thân sang gặp Long Tế Quang yêu cầu bắt Cường Để và các nhà cách mạng Việt Nam. Phan Bội Châu, Mai Lão Bạng đã biết trước nhưng chưa kịp chuyển đi thì ngày 24-12-1913 đều bị bắt...Tại nhà giam của Pháp, Phan Bội Châu đã viết cuốn “Ngục trung thư”, trong đó có đoạn viết: “...Tôi với yếu nhân Mai quân (Mai Hữu Bạng) cùng bị bắt hạ ngục... Từ khi xuất dương tới giờ, tôi được nếm mùi ở tù lần này là lần thứ nhất. Nhưng Mai quân hơn tôi, lần này ông ta vào ngục là lần thứ ba rồi. Vào ngục bữa đầu hết, tôi với Mai quân ở chung một xà lim. ... Qua ngày thứ nhì, người ta nhốt riêng tôi và Mai quân mỗi người ở cách biệt nhau một nơi...” Phan Bội Châu bị giam ở núi Quan Âm, còn Mai Lão Bạng bị giam ở Sở Cảnh sát. Hai người không có tin tức của nhau. Mãi đến năm 1917, ra tù, Phan Bội Châu mới biết Mai Lão Bạng vẫn còn trong ngục, bèn nhờ một số quan chức ở Quảng Đông như Mạc Vinh Tân, Ngụy Bang Bành, Tăng Ngạn giúp đỡ để trả tự do cho Mai Lão Bạng. Nhưng mãi đến 3-1917, Long Tế Quang chết, Mai Lão Bạng mới được tha. Sau khi ra tù, Mai Lão Bạng lên Thượng Hải, gặp được các ông Hy Cao và Kim Đài vừa vượt ngục Côn Đảo chạy sang, ba người liền thảo thư gửi thư cho cụ Phan Bội Châu, nhưng chưa kịp gửi đã bị Phan Bá Ngọc báo cho mật thám Pháp bắt giải về nước, giam ở Vinh. Hai ông Hy Cao và Kim Đài bị đưa trở lại Côn Đảo, Mai Lão Bạng cũng bị đày ra Côn Đảo hơn chục năm. Sau đó trở lại Vinh, làm nghề bốc thuốc để sinh sống rồi lập gia đình với bà Anna Bùi Thị Tám (1888-1980), người họ giáo Kẻ Tùng, xã Láng Ngạn, huyện La Sơn, nay là xã Đức La, huyện Đức Thọ. Thời kỳ ở Vinh, năm nào ông cũng vào Huế thăm cụ Phan Bội Châu đang bị an trí ở Bến Ngự, có khi ở Vinh 6 tháng lại vào Huế với cụ Phan Bội Châu 6 tháng. Năm 1939, hai ông gặp nhau lần cuối và ông được Phan Bội Châu tặng tấm ảnh chân dung "Ông già Bến Ngự" với lời đề " Cứu quốc tồn chủng, hữu chí vô tài, kim cánh dữ quốc dân trường từ, tội thậm, khất thứ" tặng Mai Lão Bạng (nghĩa là: Cứu nước bảo tồn giống nòi, tôi có chí nhưng không có tài, nay đã đến lúc từ giã quốc dân mãi mãi, tôi có tội lớn xin thứ cho. Tặng Mai Lão Bạng - Sào Nam). Tấm ảnh được ông trân trọng treo vào chính giữa gian nhà vừa là hiệu thuốc của mình.

Tháng 10 năm 1942, Mai Lão Bạng qua đời tại Vinh. Mộ phần ông được táng tại nghĩa địa giáo xứ Cầu Rầm phía cửa Hữu thành Nghệ An. Năm 2009, họ đạo Dụ Thành và con cháu ông đã cát táng về chôn tại nghĩa trang quê nhà thuộc thôn Quảng Ích xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chí sĩ Mai Lão Bạng đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, kính chúa, thương dân, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, kể cả siềng sích, tù đầy để thực hiện bằng được tâm nguyện đánh đuổi giặc ngoại xâm, cứu nước, cứu dân, nêu một tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo.  

Ghi nhận công lao đóng góp to lớn của Mai Lão Bạng trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX, ngày 20/6/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định số 1761/QĐ-UBND công nhận Khu mộ Mai Lão Bạng thuộc xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Tỉnh. Hiện nay ở Thành phố Vinh và thành phố Hà Tĩnh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa đều có một đường phố mang tên nhà chí sĩ Mai Lão Bạng.

Comments on social media
THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Mỗi dân tộc, có một nền tảng đạo lý căn bản của sự tồn tại. Chính nền tảng đạo lý đó tạo ra bản sắc văn hóa của dân tộc. Cái Đạo dân tộc thường xuyên thấm nhuần sâu sắc trong cái Lý căn bản của hệ thống pháp luật. Cả hai phương diện Đạo và Lý đó đều phải được xử lý sâu sắc và nhuần nhuyễn trong mọi vấn đề của TTATXH để có một xã hội ổn định và phát triển..