VIỆN NGHIÊN CỨU & BẢO TỒN VĂN HÓA


Công tác toàn dân trong việc Bảo vệ môi trường

Ngày đăng: 24/04/2024Xem:

802

Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường là vấn đề chung của toàn hệ thống chính trị - toàn thể nhân dân,phong trào bảo vệ môi trường đang được đông đảo người dân ở các khu dân cư tích cực tham gia thực hiện và đem lại hiệu quả thiết thực.

 Tuy nhiên, để hoạt động này được duy trì thường xuyên thì vẫn còn nhiều việc phải làm bởi lượng rác thải sinh hoạt từ các khu dân cư luôn chiếm phần không nhỏ, do đó để đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia phải có quản lý hiệu quả từ phía chính quyền và sự tham gia tích cực từ cộng đồng trong bảo vệ môi trường...  cần phải có biện pháp hữu hiệu để hạn chế và tiến tới khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây ra.

 Để phát huy hiệu quả trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ tự quản bảo vệ môi trường tại khu dân cư; xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả trong cộng đồng; tuyên truyền và làm tốt việc phân loại rác thải từ nguồn, coi đây là việc làm thường xuyên, một hành động văn minh của mỗi người, mỗi nhà và cả cộng đồng.

Nghiên cứu áp dụng mô hình thu gom, tập kết rác tập trung

Tại Việt Nam nói chung và khu vực thành phố Hà Nội nói riêng hiện vẫn còn khá nhiều vấn đề tồn tại, đặc biệt trong công tác quy hoạch và xử lý nước thải sinh hoạt, nhiều ý kiến cho rằng thực trạng xử lý nước thải sinh hoạt còn khá thấp. Do đó, nguy cơ ô nhiễm do nước thải sinh hoạt là rất lớn nếu không có giải pháp xử lý hiệu quả. Cấp thiết cần có quy hoạch đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả các nhà máy, trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung ngay từ đầu, nhất là các khu vực nội thị của TP cũng như đối với cụm công nghiệp, làng nghề để đảm bảo kiểm soát chất lượng nước thải khi xả thải vào môi trường tiếp nhận. Bên cạnh đó, cần quy hoạch quy mô nuôi và vùng nuôi cụ thể; cần có quy hoạch phương án xử lý nước thải và phải bố trí diện tích chứa thích hợp để xử lý triệt để nguồn bệnh có thể lan truyền ra môi trường xung quanh.

Đối với quản lý chất thải rắn, cần tiếp tục thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với công nghệ lựa chọn hợp lý, phải nghiên cứu phương thức tiếp cận phù hợp nhằm vận động cộng đồng người dân, doanh nghiệp đồng hành thực hiện. Bên cạnh đó, để triển khai một cách đồng bộ quản lý tổng hợp chất thải rắn của thành phố từ phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sau phân loại cần nghiên cứu áp dụng mô hình thu gom, tập kết rác tập trung phù hợp cho từng khu nhà, khu tập thể, chung cư... đảm bảo vệ sinh môi trường; nghiên cứu mô hình tái chế, ưu tiên thu gom tái chế rác thải nhựa…

Mỗi mô hình, mỗi phong trào sẽ không thể mang lại hiệu quả thiết thực nếu chỉ tập trung làm trong một thời gian. Thực tế nhiều nơi đã cho thấy, có lúc phong trào bảo vệ môi trường trong nhân dân phát triển rất mạnh, nhưng sau đó lại trầm lắng. Nguyên nhân là do thiếu sự chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, thiếu sự phối hợp giữa các tổ chức chính trị - xã hội trong khu dân cư, thiếu sự động viên với những nơi làm tốt hay phê bình, nhắc nhở kịp thời với những tập thể, cá nhân làm chưa tốt. Nhiều nơi thiếu tổ chức đứng ra chủ trì hoạt động, chưa có người đứng đầu thực sự tâm huyết để “thắp lửa” và “giữ lửa” cho phong trào.

Để phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường duy trì thường xuyên, hiệu quả cần phải nâng cao ý thức của người dân, đồng thời phải phát huy vai trò liên kết, phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội tại khu dân cư, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là thước đo hiệu quả hoạt động của mỗi tổ chức chính trị - xã hội tại các khu dân cư. Phải phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong công tác bảo vệ môi trường.

Tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường

Về thực hiện giải pháp quản lý môi trường và nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường, nhiều chuyên gia về môi trường đang báo động về tác hại của việc sử dụng nhựa. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về rác thải nhựa đã có từ lâu nhưng tại Việt Nam một thời gian dài còn ở mức tuyên truyền, vận động. Những giải pháp đang áp dụng là giảm thiểu sử dụng loại nguyên liệu này.

Một vài đơn vị kinh doanh vận dụng bằng cách đề nghị khách hàng mua để sử dụng hoặc khuyến mãi cho khách hàng bằng các túi đựng thân thiện với môi trường. Hay trong các trường học, nêu trước đây sau một buổi học, thùng rác luôn chứa đầy các chai nhựa chứa nước, thì giờ đây sinh viên, học sinh và thầy cô giáo đã chủ động mang bình nước riêng cho mình. Điều này cho thấy việc vận động giảm thiểu các vật dụng bằng nhựa đang đi vào thực tế cuộc sống. Những kết quả bước đầu này sẽ tiếp tục được củng cố hơn nếu có sự tham gia của các nhà khoa học trong việc quan tâm phát triển các hướng nghiên cứu để có thêm những giải pháp căn cơ, bền vững hơn nhằm xây dựng một môi trường sống lành mạnh cho hiện tại và các thế hệ mai sau…

Cũng tại một số phiên họp thành phố, một số đại biểu cho rằng xả rác bừa bãi đang là vấn nạn của các đô thị Việt Nam, nhất là tại các đô thị lớn như thành phố Hà Nội. Việc xả rác, phóng uế bừa bãi trên đường phố không chỉ làm mất mỹ quan văn minh đô thị mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, làm e ngại tâm lý du khách nước ngoài khi đến Việt Nam,… tạo ra những rào cản trong quá trình hội nhập của Việt Nam với thế giới. Vì vậy, nhiều đại biểu đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hiệu lực thực thi của pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường đô thị văn minh như cần thành lập bộ máy nhân sự kiểm tra và xử phạt hành vi xả rác gây ô nhiễm môi trường; lắp đặt hệ thống camera để giám sát, kiểm tra, nhắc nhở, cảnh báo và phạt nguội những hành vi vi phạm; xây dựng hệ thống giám sát tự nguyện, tự giác trong cộng đồng dân cư; triển khai bố trí và tổ chức quản lý chặt chẽ các nhà vệ sinh công cộng; cần có lộ trình để quy định các nhà sản xuất thay đổi từ bao bì nhựa khó phân hủy sang sản xuất bao bì thân thiện với môi trường.

Một số ý kiến cũng đề nghị vấn đề bảo vệ môi trường là vấn đề chung của toàn hệ thống chính trị - toàn thể nhân dân. Để đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia nói chung, của thành phố Hà Nội nói riêng, phải có quản lý hiệu quả từ phía chính quyền và sự tham gia tích cực từ cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Góp ý cho lãnh đạo thành phố, nhiều đại biểu nhấn mạnh: Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Hà Nội thành “một đô thị văn minh, hiện đại”, toàn thể nhân dân phải có ý thức bảo vệ môi trường, chấp hành đúng quy định của pháp luật và mọi hành vi vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến môi trường phải bị lên án và xử lý một các nghiêm minh.

Từ thực tế hết sức đáng báo động nêu trên, mỗi cấp, mỗi ngành thiết nghĩ cần có một chương trình hành động chặt chẽ hơn, quyết liệt hơn để bảo vệ môi trường sống của người dân, trước hết là bảo vệ nguồn nước, xử lý rác thải. Đặc biệt là đối với các loại rác thải nhựa, nên xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở nên tích cực làm gương và đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao hơn nữa ý thức về bảo vệ môi trường, bằng những việc làm thiết thực cụ thể như: Thu gom rác thải đúng nơi quy định, ở nông thôn mỗi gia đình cần có hố rác tập trung để chôn lấp hoặc đốt, nên phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ để có thể tái sử dụng tùy theo loại. Nhất là đối với các loại rác thải nhựa, rác thải rắn, rác thải y tế… lại cần phải có phương pháp quản lý theo đúng quy định mà ngành chuyên môn đã hướng dẫn. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật về bảo vệ môi trường, chủ động ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ ngay từ nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường, nhất là từ các ngành công nghiệp, xây dựng và hoạt động dân sinh đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương.

Comments on social media
THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Mỗi dân tộc, có một nền tảng đạo lý căn bản của sự tồn tại. Chính nền tảng đạo lý đó tạo ra bản sắc văn hóa của dân tộc. Cái Đạo dân tộc thường xuyên thấm nhuần sâu sắc trong cái Lý căn bản của hệ thống pháp luật. Cả hai phương diện Đạo và Lý đó đều phải được xử lý sâu sắc và nhuần nhuyễn trong mọi vấn đề của TTATXH để có một xã hội ổn định và phát triển..