VIỆN NGHIÊN CỨU & BẢO TỒN VĂN HÓA


HOÀNH SƠN QUAN- ĐÈO NGANG NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HOÁ

Ngày đăng: 28/04/2024Xem:

671

Thời gian gần đây, trên các trang báo điện tử ở trung ương và địa phương rộ lên những bài viết về di tích Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang.

Theo thống kê của phòng văn hoá Thời gian gần đây, trên các trang báo điện tử ở trung ương và địa phương rộ lên những bài viết về di tích Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang.


Hoành Sơn quan nhìn từ phía Bắc vào, thuộc xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh

Thông tin thị xã Kỳ Anh có đến trên 10 bài. Có nhiều bài giật tít hơi thái quá, chẳng hạn báo Quảng Bình ngày 05/6/2023 có tít là “Nhập nhằng Hoành Sơn quan”, báo Tin tức (TTXVN) ngày 12/6/2023 có bài “Hoành Sơn quan ‘kêu cứu’: Cần sự hợp tức, đặt quyền lợi của di sản lên trên hết”. Báo Người Lao động ngày 20/8/2023 có tít “Tủi phận Hoành Sơn quan”, và bài “Quan ải khiến Quảng Bình và Hà Tĩnh tranh chấp 20 năm qua giờ ra sao ?”( ngày 06/9/2023). Báo Công an nhân dân Online ngày 04/9/2023 có tít “Dùng dằng Hoành Sơn quan”. Đài PT&TH Bắc Giang ngày 11/9/2023 đăng lại bài của báo Thanh niên có tựa đề “Hoành Sơn quan thuộc về ai ?”. Thậm chí có bài báo còn đặt câu hỏi ngây ngô “Hoành Sơn quan- Cổng trời trăm tuổi mở ra phía Nam hay phía Bắc ?” (Tạp chí Du lịch TP Hồ Chí Minh ngày 02/9/2023)…Tựu trung lại các bài viết này đều phản ánh các thông tin chưa chính xác và đầy đủ về di tích Hoành Sơn quan. Là người được lãnh đạo Sở VHTT Hà Tĩnh trực tiếp giao xử lý và tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về vấn đề này cách đây hơn 22 năm, tôi xin nói cụ thể như sau:

Trước hết phải khẳng định rằng: Di tích Hoành Sơn quan xét về mặt lịch sử không thuộc tỉnh Quảng Bình hay Hà Tĩnh, mà thuộc về quốc gia- triều Nguyễn. Cổng Hoành Sơn được xây dựng vào năm 1833 là để kiểm soát người vào kinh đô Huế từ phía bắc, tương tự như cổng Hải Vân ở phía nam kinh thành Huế thời kỳ ấy. Cho nên nhiều người cho rằng di tích này đang bị tranh chấp là đang hiểu sai về văn hoá và lịch sử. Câu chuyện có lẽ bắt đầu từ một bài báo. Năm 2001, trên trang 6 của Báo Lao động số 181 (5493), thứ 3 ngày 14/8/2001 có bài phóng sự dự thi “Mỗi ngày một vạn bước” của tác giả Nguyễn Quang Vinh đề cập đến di tích Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang, ca ngợi vợ chồng ông bà Nguỳ (người xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã có công trong việc trông nom bảo vệ di tích Hoành Sơn quan và đền thờ Liễu Hạnh công chúa. Đây là một bài phóng sự hay; tuy nhiên ở phần kết tác giả lại đặt ra câu hỏi “Di tích Hoành Sơn quan của ai ?” và cho rằng 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đang có tranh chấp về di tích này và đang chờ Bộ Văn hoá làm trọng tài quyết định. Trước đó Sở Văn hoá Thông tin (VHTT) Quảng Bình đã có Công văn số 15, ngày 06/3/1995 gửi Bộ VHTT và Sở VHTT Hà Tĩnh cho rằng Hoành Sơn quan thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình quản lý. Sau đó, Bộ VHTT đã có Công văn số 762 ngày 23/3/1995 đề nghị Sở VHTT Hà Tĩnh cử cán bộ nghiên cứu xác minh lại địa giới hành chính của ải Hoành Sơn. Năm 1996, theo đề nghị của UBND xã Kỳ Nam và huyện Kỳ Anh, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành lập hồ sơ khoa học di tích Hoành Sơn quan trình Bộ VHTT xếp hạng di tích quốc gia. Ngày 13/6/2001, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công văn số 538 đề nghị Bộ VHTT công nhận di tích quốc gia Hoành Sơn quan cho 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Ngày 18/3/2002, lãnh đạo và các phòng chuyên môn của 2 Sở VHTT Quảng Bình và Hà Tĩnh đã gặp nhau tại Hà Tĩnh để bàn về vấn đề xung quanh di tích Hoành Sơn quan và mong muốn 2 tỉnh thống nhất chủ trương xếp hạng di tích quốc gia và xin ý kiến chỉ đạo của UBND hai tỉnh. Tuy nhiên sau đó UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 1738 ngày 02/8/2002 xếp hạng Hoành Sơn quan là di tích cấp tỉnh. Chúng tôi không rõ khi xếp hạng di tích này, tỉnh Quảng Bình thực hiện việc khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích như thế nào.

Với sự thận trọng về mặt pháp lý đất đai khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích theo quy định của Luật Di sản văn hoá, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Công văn số 1342 ngày 05/9/2002 chỉ đạo và giao cho Sở VHTT chủ trì phối hợp với Ban tổ chức chính quyền tỉnh (nay là Sở Nội vụ), Sở Địa chính, UBND huyện Kỳ Anh (nay là thị xã Kỳ Anh) tiến hành xác định chính xác vị trí của di tích Hoành Sơn quan trên bản đồ địa giới hành chính và trên thực địa, đồng thời giao Sở VHTT tổng hợp các tư liệu, tài liệu lịch sử, địa lý có liên quan đến di tích Hoành Sơn quan tham mưu UBND tỉnh quan điểm về bảo tồn và phát huy giá trị của di tích để kịp trả lời Cục Bảo tồn Bảo tàng- Bộ VHTT trước ngày 20/9/2002. Ngày 14/9/2002, Sở VHTT Hà Tĩnh đã chủ trì tổ chức đoàn khảo sát, đo đạc thực địa tại di tích Hoành Sơn quan và đã xác định được di tích Hoành Sơn quan nằm cách đỉnh đèo Ngang trên đường phân thuỷ 7,7m về phía bắc thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Do đó, Sở VHTT Hà Tĩnh đã tiến hành lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích cấp tỉnh và ngày 14/3/2005, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 412 xếp hạng Hoành Sơn quan là di tích LSVH cấp tỉnh. Từ đó đến nay Hoành Sơn quan vẫn được bảo vệ và phát huy giá trị của di tích trong đời sống văn hoá của nhân dân địa phương tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và du khách thập phương.

Về sự ra đời của công trình kiến trúc Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang đã được ghi chép rất rõ ràng trong sách Đại Nam thực lực chính biên, đệ nhị kỷ, quyển XC “Thực lục về Thánh tổ Nhân Hoàng đế” như sau: “Quý Tỵ, Minh Mạng thứ 14 (1833), mùa xuân, tháng 3….Thiết lập cửa ải ở núi Hoành Sơn (Hoành Sơn trên liền núi cao dưới giáp biển lớn, ở khoảng tiếp giáp giữa 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Cửa ải ở trên đỉnh núi, chung quanh xây tường bằng đá núi, dài 11 trượng 8 thước, cao 5 thước, đằng trước mở một cửa, bên tả bên hữu có tường ngăn, xây theo thế núi, bên tả dài 36 trượng, bên hữu dài 39 trượng, có chỗ cao 3,4 thước, có chỗ cao 5,6 thước không chừng. Trong dựng một trại lính 3 gian để làm chỗ biền binh đóng giữ. Lấy 300 biền binh ở Quảng Bình và Hà Tĩnh để làm việc xây dựng đó). Sai thự Thị lang bộ Công là Đoàn Văn Phú đến quản đốc. Khi Phú đi, vua dụ bảo rằng “Nay Nam, Bắc một nhà, bốn phương vô sự, trong có các cửa ải Quảng Bình, Vũ Thắng là nơi hiểm yếu đủ cậy rồi. Còn cửa ải Hoành Sơn này lập nên chỉ để xét hỏi quân gian, cũng là một đồn phân phòng đó thôi. Ngươi nên xét kỹ hình thế, trù tính việc làm, cốt sao đỡ tốn”. Sau đó vì thấy bộ Công nhiều việc, bèn sai thự Bố chính Quảng Bình là Trần Văn Tuân chuyên coi mọi việc, mà vời Phú về. Một tháng làm xong, phái 1 Suất đội và 20 lính Quảng Bình đến đóng giữ, mỗi tháng 1 lần thay phiên.”. (Trích trong Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, tập 3. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, trang 500).

Và như vậy có thể thấy Hoành Sơn quan hay như nhân dân địa phương quen gọi là “Cổng trời” do vua Minh Mạng trực tiếp chỉ đạo xây dựng để “xét hỏi quân gian” như lời nhà vua từng nói và đây là di sản văn hoá quốc gia, không thuộc sở hữu của địa phương Quảng Bình hay Hà Tĩnh. Về sau rất nhiều tài liệu cũng đã đề cập đến di tích này như “Đồng Khánh địa dư chí”, “Đại Việt địa dư toàn biên” của Nguyễn Văn Siêu, “An Tĩnh cổ lục” của Hippolyte Le Breton, “Địa dư tỉnh Hà Tĩnh” của Trần Kinh,…Tác giả người Pháp Hippolyte Le Breton đã chép “Xứ Kỳ Anh bị bịt kín về phía Nam bởi một cánh núi cao nhất của dãy Hoành Sơn, sườn núi kéo mãi ra đến bể không liên tục. Nó để cách một lối đi qua: Đèo Ngang. Đỉnh đèo xưa được bảo vệ bởi một bức thành mà hiện nay chỉ còn lại cái cửa. Chính vì có cái cửa đó mà dãy núi được gọi bằng cái tên như ta biết hiện giờ “Cửa ngõ Trung Kỳ” (Trích trong “An Tĩnh cổ lục”, Nxb Văn hoá thông tin, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2014, bản dịch của Nguyễn Đình Khang và Nguyễn Văn Phú).

Việc xác định địa giới hành chính của 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh trên đỉnh đèo Ngang tại di tích Hoành Sơn quan là dựa vào đường phân thuỷ do cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên & Môi trường thực hiện năm 2007. Hiện nay trên bản đồ địa giới hành chính, di tích này thuộc địa phận thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh. Việc tỉnh Hà Tĩnh giao cho địa phương bảo vệ, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị di tích là đúng với thẩm quyền và trách nhiệm theo quy định của Luật Di sản văn hoá. Cũng cần nói thêm, năm 1994, Hội Huynh đệ Việt- Pháp tỉnh Côtes D’Armor (Pháp) đã hỗ trợ 10.000 frăng để tôn tạo di tích, tỉnh đã giao cho Sở VHTT và Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với địa phương để tu bổ, khôi phục hệ thống bậc đá cổ từ Quốc lộ IA lên cổng Hoành Sơn. Năm 2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 60 triệu đồng để lắp đặt biển giới thiệu về di tích Hoành Sơn quan. Năm 2022, UBND tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng để chống xuống cấp di tích. Hàng năm thị xã Kỳ Anh hỗ trợ cho người bảo vệ trông coi di tích 2,4 triệu đồng. Như vậy không thể nói là Hoành Sơn quan đang bị lãng quên, hay có nguy cơ trở thành phế tích. Tuy nhiên, với thời tiết, khí hậu “chảo nắng túi mưa” khắc nghiệt của vùng đất này và sự hư hỏng theo thời gian và ý thức của cộng đồng, sự xuống cấp của di tích Hoành Sơn quan là không tránh khỏi, mà việc đầu tư tu bổ tôn tạo của tỉnh Hà Tĩnh lại còn rất hạn chế. Cho nên cần có một dự án trùng tu tôn tạo lớn là hết sức cần thiết.

Hoành Sơn quan là một di tích rất xứng đáng được xếp hạng quốc gia vì tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử văn hoá và kiến trúc vốn có của nó. Theo chúng tôi, lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn của 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình cần hợp tác và học hỏi kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng trong việc xếp hạng và tu bổ tôn tạo di tích quốc gia Hải Vân quan, để thống nhất xây dựng hồ sơ trình Bộ VH, TT&DL công nhận di tích Hoành Sơn quan, bởi đây là di tích quốc gia của Việt Nam./. 

Comments on social media
THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Mỗi dân tộc, có một nền tảng đạo lý căn bản của sự tồn tại. Chính nền tảng đạo lý đó tạo ra bản sắc văn hóa của dân tộc. Cái Đạo dân tộc thường xuyên thấm nhuần sâu sắc trong cái Lý căn bản của hệ thống pháp luật. Cả hai phương diện Đạo và Lý đó đều phải được xử lý sâu sắc và nhuần nhuyễn trong mọi vấn đề của TTATXH để có một xã hội ổn định và phát triển..