VIỆN NGHIÊN CỨU & BẢO TỒN VĂN HÓA


NGƯỜI HÀ TĨNH NHÂN VĂN BẤT KHUẤT, CÁCH TÂN, SÁNG TẠO PHÁT TRIỂN CÙNG DÂN TỘC VIỆT NAM

Ngày đăng: 20/04/2024Xem:

464

Trên một dãi đất hẹp có cấu trúc địa lý không thuận lợi, phía Tây là dãy núi Trường Sơn, phía Đông là biển với khoảng cách có nơi chỉ trên dưới 60km, độ dốc lớn thường xuyên bị gió Tây Nam (gió Lào) khô nóng tràn qua và bão giông từ biển Đông ập vào; đất đai bị bào mòn, lũ lụt, hạn hán liên tục. Người dân sống ở đây phải chống chọi quanh năm với thiên tai nên chịu cảnh đói rét cùng cực. Họ phải chịu đựng, phải bươn chải, phải lao động cần cù, phải tìm kiếm góp nhặt, phải oằn mình để tồn tại


Từ xa xưa cách đây hàng vạn năm, ở vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt “chớp biển, mưa ngàn”, “nắng đỏ trời, mưa thối đất”, cư dân nhiều nơi đã về đây thành lập nên những cộng đồng ở ven biển, ven sông, các chân đồi núi. Họ sinh sống bằng nghề hái lượm, săn bắn rồi phát triển lên biết trồng lúa, biết chế tác đồ đá, đúc đồng, luyện sắt… Các di chỉ tìm được cho thấy tương đồng với các nền văn hóa Phùng Nguyên, Sơn Vi, Hòa Bình, Quỳnh Văn… Họ sống rải rác thuộc các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn… ngày nay.
Thuở Vua Hùng dựng nước Văn Lang, vùng đất này có tên Cửu Đức gồm các kẻ ở đồng bằng, nguồn ở miền núi, vạn ở ven biển chưa thành đơn vị hành chính. Thời Ngô, Đinh khi nước Chiêm Thành đã phát triển họ mở mang bờ cỏi ra phương Bắc, vượt Đèo Ngang chiếm giữ một vùng từ Rú Thành (Cẩm Xuyên) trở vào. Một bộ phận người Chiêm định cư lập nghiệp ở đây và đã “Việt hóa”, cùng với người các tỉnh phía Bắc như Hà Tây, Hải Dương, Nam Định… với nhiều lý do vào vùng này khai hoang, lập ấp. Có thể nói người muôn nơi đã tụ hội về Hà Tĩnh thành cộng đồng gắn kết, đùm bọc yêu thương nhau, anh dũng bất khuất chống thiên tai, địch họa; cần cù, siêng năng, có cả cố hữu, bảo thủ nhưng luôn tìm tòi dẫu có lúc hơi thái quá nhưng đó là sự sáng tạo vươn lên trong cuộc sống, để vùng đất “phen dậu” của đất nước đứng vững và đóng góp công sức xứng đáng vào công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Năm 1831 Vua Minh Mạng chia tách hai phủ Hà Hoa và Đức Thọ của trấn Nghệ An lập thành tỉnh Hà Tĩnh, một trong 30 tỉnh trực thuộc triều đình Trung ương. Địa danh hành chính mang tên Hà Tĩnh mới có cách đây 190 năm, nhưng con người sống ở trên đất Hà Tĩnh thì đã có một bề dày lịch sử trải dài suốt hàng ngàn năm từ trước thời các vua Hùng, rồi thời Bắc thuộc, đến thời đại Hồ Chí Minh với một đặc trưng rất Hà Tĩnh mà cho tôi được đúc kết để nêu lên trong bài viết này đó là: “Nhân văn, bất khuất, cách tân, sáng tạo”.
1. Bất khuất đương đầu với thiên tai, địch họa.
Trên một dãi đất hẹp có cấu trúc địa lý không thuận lợi, phía Tây là dãy núi Trường Sơn, phía Đông là biển với khoảng cách có nơi chỉ trên dưới 60km, độ dốc lớn thường xuyên bị gió Tây Nam (gió Lào) khô nóng tràn qua và bão giông từ biển Đông ập vào; đất đai bị bào mòn, lũ lụt, hạn hán liên tục. Người dân sống ở đây phải chống chọi quanh năm với thiên tai nên chịu cảnh đói rét cùng cực. Họ phải chịu đựng, phải bươn chải, phải lao động cần cù, phải tìm kiếm góp nhặt, phải oằn mình để tồn tại và phát triển. Họ không khuất phục, trái lại đã tìm ra nhiều phương thức để chung sống và trụ vững với thiên nhiên một cách thông minh và hợp lý. Đó là người Hà Tĩnh.
Không chỉ thế, ở vùng đất “phên dậu” này, người Hà Tĩnh còn phải đương đầu chống chọi với giặc ngoại xâm. Thời nào có kẻ xâm lược là có anh hùng hào kiệt ở Hà Tĩnh xuất hiện, dương cao ngọn cờ buất khuất trước kẻ thù và thúc dục đồng bào cả nước xung trận.
Vào thời Hai Bà Trưng người Hà Tĩnh đã đứng lên dấy binh khởi nghĩa. Thời Bắc thuộc, năm 722 nổi lên phong trào nông dân khởi nghĩa vừa quyết liệt vừa có sức lan tỏa cả vùng rộng lớn chống quân nhà Đường, do Mai Thúc Loan quê ở làng Mai Phụ, huyện Thạch Hà đứng đầu. Rồi đến năm 980 danh tướng Cao Minh Hựu người Hà Tĩnh quê ở huyện Can Lộc đã khởi binh giúp Lê Đại Hành đánh tan quân xâm lược nhà Tống.
Thời giặc Minh xâm lược, người Hà Tĩnh và đất Hà Tĩnh có hai sự kiện chống ngoại xâm hết sức oanh liệt. Đó là vào thế kỷ XV, mở đầu công cuộc chống giặc Minh hai cha con Đặng Tất, Đặng Dung quê ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc đã đánh đuổi quân nhà Minh giải phóng một vùng rộng lớn và lập chiến công vang dội ở trận đánh Bô Cô (Nam Định), tiếp đó là trận Thái Già (Quảng Trị) buộc tướng giặc Trương Phụ phải tìm cách trốn thoát. Sau đó 4 năm Nguyễn Biên quê ở Can Lộc nổi dậy và kết hợp với quân Lê Lợi trong phong trào chống quân Minh. Vùng đất Đỗ Gia (Hương Sơn) và núi Thiên Nhẫn trở thành đại bản doanh của Lê Lợi. Danh tướng Nguyễn Tuấn Thiện quê ở xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn, đã đứng lên lãnh đạo nhân dân Hà Tĩnh góp phần to lớn vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh thắng quân Minh xâm lược giành độc lập dân tộc.
Đến thế kỷ XVIII trong chiến công oanh liệt của quân Quang Trung tiến ra Bắc diệt quân Thanh vùng đất Hà Tĩnh góp phần cung cấp nhân tài vật lực. Các tướng tài như Ngô Vặn Sở, Đặng Tiến Đông, Nguyễn Thiếp… người Hà Tĩnh có công lớn vào chiến thắng Đống Đa, đuổi quân Thanh ra khỏi đất nước.
Khi giặc Pháp xâm lược, ngày 01/9/1858 nổ súng chiếm Đà Nẵng, Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ tuy đã 80 tuổi vẫn xin vua cho cầm quân ra giết giặc, do tuổi cao sức yếu ông đã hy sinh trên đường ra trận. Sau đó phải kể đến cuộc kháng chiến của Phan Đình Phùng, từ chiến khu Vũ Quang, huyện Hương Khê suốt 10 năm đã lan rộng ra một vùng rộng lớn 6 tỉnh, với những chiến công vang dội làm cho thực dân Pháp phải khiếp sợ, là ngọn cờ kêu gọi nhân dân cả nước tiếp tục đứng lên chống thực dân Pháp về sau này.
Lòng yêu nước và truyền thống bất khuất chống ngoại xâm của người Hà Tĩnh được khơi dậy và phát huy lên đỉnh cao vào thời đại Hồ Chí Minh. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin được Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào, kết hợp với lòng yêu nước nồng nàn đang khát khao tìm đường cứu nước, một lớp thanh niên trí thức Hà Tĩnh đã đi đầu trong việc thành lập các tổ chức cách mạng, như Hội Hưng Nam, Đảng Tân Việt đến Đông dương cộng sản Đảng và Đông Dương cộng sản Liên đoàn tiền thân của Đảng cộng sản Đông Dương. Tiêu biểu cho lớp thanh niên này là Trần Phú, Lê Duy Điếm, Hà Huy Tập.v.v.. họ là những học trò xuất sắc của Hồ Chí Minh là những chiến sĩ cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo tài ba của Đảng cộng sản, họ đã nêu tấm gương sáng và tinh thần anh dũng bất khuất trước kẻ thù, đã trở thành ngọn cờ cho các thế hệ cách mạng chiến đấu đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành độc lập thống nhất nước nhà.
Ngay từ khi cách mạng Việt Nam có Đảng cộng sản lãnh đạo, Hà Tĩnh đã lập chiến công đầu với Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tuy thất bại, nhưng Xô Viết Nghệ - Tĩnh là một biểu tượng mới, là một hình mẫu đứng lên giành chính quyền của quần chúng công - nông và nhân dân lao động cần lao dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Từ đó Đảng đã rút kinh nghiệm về củng cố xây dựng lực lượng để chớp thời cơ trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, cuộc cách mạng giành chính quyền mà Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh đi đầu…
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Tĩnh anh dũng chiến đấu với quân thù từ Lào sang, từ Nam ra, từ Bắc vào, từ biển lên, từ đường bộ, đường thủy, đường không đều giành thắng lợi, là tỉnh duy nhất trong cả nước không cho giặc Pháp đứng chân trọn được một ngày, vùng tự do cung cấp nhân tài vật lực cho kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Hà Tĩnh chiến đấu anh dũng trong mưa bom bão đạn để lập được những chiến công xuất sắc. Bắn rơi 4 máy bay với trận đầu thắng lớn ngày 26/3/1965 ở thị xã Hà Tĩnh, bắn rơi máy bay trực thăng bắt giặc lái ở xã Hương Xuân, Hương Khê, bắn cháy tàu chiến ở xã Xuân Liên, nghi Xuân. Dũng cảm hy sinh để đảm bảo mạch máu giao thông tiêu biểu là ở Ngã Ba Đồng Lộc. Tấm gương chiến đấu dũng cảm sáng tạo bắn hạ máy bay địch của trung đội nữ dân quân ở xã Kỳ Phương, Kỳ Anh.v.v.. Khắp nơi trên đất Hà Tĩnh vừa sản xuất vừa chiến đấu, bảo đảm an toàn hậu phương và giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, làm tròn vai trò là tỉnh tiền tuyến của hậu phương lớn và hậu phương của tiền tuyến lớn, đóng góp quan trọng vào công cuộc chống Mỹ cứu nước giành thống nhất nước nhà.
2. Năng động, sáng tạo trong chiến đấu và xây dựng quê hương đất nước.
Có thể nói đặc trưng nỗi bật của người Hà Tĩnh là tính năng động, sáng tạo và sống nhân văn có nghĩa tình.
Trong chiến đấu để lập được chiến công phải sáng suốt để có chủ trương đúng và biết sáng tạo trong cách đánh. Thế mới có trận đánh từ giờ tị đến giờ thân diệt được hàng chục vạn quân nhờ đóng cọc giữa dòng sông và đắp chiến lũy ở hai bên bờ; quân thủy bộ phối hợp đánh úp thắng lớn ở trận Bồ Cô, tướng Mộc Thạnh thua to cùng tàn quân chạy về Đông Quan.
Hay nghĩa quân Phan Đình Phùng, nhờ đánh du kích phối hợp với tập kích vào dinh lũy kẻ thù, phát động toàn dân đánh giặc, mà mở rộng được một vùng giải phóng rộng lớn. Nhiều lần giặc tràn lên đánh vào Sở chỉ huy bằng đường thủy, đường bộ đều bị nghĩa quân lợi dụng địa hình đánh lui. Vào thời đó Cao Thắng đã chế tạo được súng trường, vũ khí tối tân thời đó, quân Pháp không ngờ tới.
Trong Cách mạng Tháng Tám, Hà Tĩnh là tỉnh dẫn đầu nhờ nắm chắc thời cơ và tình hình địch, đề ra phương án khởi nghĩa sáng tạo, đúng đắn đã kịp thời khởi nghĩa và chỉ trong 5 ngày toàn tỉnh giành chính quyền trọn vẹn không bị tổn thất.
Trong kháng chiến chống Pháp đã chủ động tấn công địch, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi giành được chính quyền, vào đêm 6 rạng ngày 7/9/1945 đã quyết định đánh vào Napê phá tan âm mưu giặc Pháp tấn công từ Lào sang, buộc chúng phải rút xuống Hạ Lào. Từ kinh nghiệm chiến thắng ở Napê, Hà Tĩnh chủ động xây dựng lực lượng vũ trang gồm dân quân du kích và bộ đội địa phương; bố trí trận địa chủ động đánh địch đổ bộ từ biển vào, đặc biệt là ở các cửa biển như Cửa Khẩu, Cửa Sót, Cửa Nhượng, giữ vững vùng tự do.
Trong kháng chiến chống Mỹ, trận thắng lớn ở Núi Nài đã sáng tạo làm trận địa giả và bố trí lực lượng, cách đánh hợp lý. Chiến thắng bắn máy bay trực thăng và bắt giặc lái ở Hương Khê nhờ biết lợi dụng điện đài địch để nhử máy bay cước phi công vào trận địa. Trận đánh tàu chiến ở xã Xuân Liên, Nghi Xuân với pháo 75 li, nhờ quan sát nghi trường, đã nghi binh kéo được tàu địch vào tầm để bắn… Hà Tĩnh là tỉnh bắn rơi máy bay cánh cụp cánh xòe F11A và máy bay trực thăng đầu tiên; bắn rơi 100 máy bay được Bác Hồ gửi thư khen ngày 23/8/1966. Bắn rơi 200 máy bay Bác Hồ gửi thư khen ngày 5/8/1968. Hà Tĩnh sáng tạo tìm cách bắc cầu, phà cho xe vượt qua sông; mở thêm các tuyến đường tỉnh lộ để thông xe trong mọi tình huống; đánh thắng ở Ngã Ba Đồng Lộc nơi trọng điểm địch đanh phá ác liệt nhưng không để tắc đường.
Không chỉ trong chiến đấu với kẻ thù xâm lược, trong sản xuất và phát triển kinh tế, người Hà Tĩnh cũng có những sáng tạo nổi bật. Thời nào và ở đâu đều có những tấm gương làm kinh tế mang tính cách tân.
Hãy nói đến Nguyễn Công Trứ, ông là một tướng công nhưng là nhà kinh tế, nhà văn hóa lớn. Đánh dẹp quân khởi nghĩa, ông nhận ra sở dĩ dân nổi dậy chống triều đình là do nghèo khổ và dốt nát. Ông đã huy động chính tàn quân khởi nghĩa và kêu gọi người nghèo trong vùng khai hoang, quai đê lấn biển lập nên 2 huyện Kim Sơn và Tiền Hải ở Ninh Bình và Thái Bình với những công trình thủy lợi và quy hoạch đồng ruộng còn có giá trị đến ngày nay. Ông đã dâng sớ lên vua xin mở trường học và đề ra chủ trương khuyến học…
Trên đất Hà Tĩnh khô cằn, hạn hán, lũ lụt, người Hà Tĩnh đã biết be bề giữ nước, làm kênh mương dẫn nước vào ruộng, đắp đê ngăn lũ lụt, ra đồng với chiếc áo tơi, chiếc nón lá tránh nắng mưa… Tinh thần tự lực cánh sinh tìm mọi cách để chống lại giặc dã và đói nghèo phải nói đến thời kỳ chống Pháp. Trong thế bị bao vây bốn phía, Hà Tĩnh vẫn giữ vững được vùng tự do, tự cung cấp lương thực và góp phần chi viện cho chiến trường; tự dệt vải mặc, đúc rèn nông cụ, làm ra bút giấy, thuyền bè, chợ búa buôn bán tấp nập, mở xưởng sản xuất vũ khí, nhà máy in tiền, mở trường, lớp học và đào tạo cán bộ.v.v.. Vào thời đó Hà Tĩnh là vùng tự do có cuộc sống sôi động nhất cả nước.
Thời kỳ chống Mỹ, là tỉnh nghèo lại bị giặc đánh và tàn phá ác liệt nhưng Hà Tĩnh vẫn có những điểm sáng về thâm canh lúa như các hợp tác xã Đại Thanh (Đức Thọ), Trung Hòa (Can Lộc), Cẩm Nam (Cẩm Xuyên)… Có những nhà máy lớn như cơ khí Ấp Bắc vào loại hiện đại của miền Bắc; xây được những công trình thủy lợi nổi tiếng như Thượng Tuy, Bộc Nguyên, Vực Trống… Có xã giáo dục toàn diện, vừa học vừa sản xuất và chiến đấu như Cẩm Bình nổi tiếng cả nước, có phong trào rầm rộ “tiếng hát át tiếng bom”; khắp nơi lập công lớn, vừa sản xuất vừa chiến đấu đánh máy bay đảm bảo an toàn, đảm bảo giao thông thông suốt, chi viện sức người sức của cho chiến trường… Người Hà Tĩnh lạc quan, sáng tạo để tổ chức cuộc sống vừa sản xuất vừa chiến đấu thắng lợi trên quê hương mình.
Trong thời kỳ đổi mới, Hà Tĩnh đã vươn lên từ một tỉnh rất nghèo. Đã có chủ trương cách làm sáng tạo và bước đi phù hợp để tập trung xóa đói, giảm nghèo bằng xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi…, thế mới có công trình Kẻ Gỗ, công trình Trạm Bơm Linh Cảm và sau này là Ngàn Trươi - Cẩm Trang. Thế mới có hệ thống giao thông hàng ngàn km lan tỏa về tận thôn xóm; mới có trường học, trạm xá khang trang.v.v.. Hà Tĩnh tập trung vào chuyển đổi mùa vụ, cây trồng, vật nuôi vào quy trình thâm canh, đặc biệt là khâu giống và thủy lợi nên đã tăng sản lượng từ 23 vạn tấn khi mới chia tỉnh lên trên 50 vạn tấn. Có thể nói thành công và sáng tạo của Hà Tĩnh là tỉnh đề ra chủ trương và tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới năm 2001, góp phần quan trọng vào xóa nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đóng góp nhiều kinh nghiệm cho cả nước. Hà Tĩnh quan tâm nâng cấp thị xã, ra đời nhiều thị trấn, thị tứ, chợ, trung tâm thương mại đã tập trung vào xây dựng các khu kinh tế. Ngay sau tách tỉnh đã hình thành khu kinh tế Vũng Áng, Cầu Treo. Rồi với cách làm và có bước đi đột phá trong khai thác tiềm năng và kêu gọi đầu tư mà diện mạo Hà Tĩnh có sự thay đổi rõ nét được như hôm nay. Không thể ngờ được một tỉnh nghèo năm 1992 thu ngân sách 80 tỉ, 58% hộ nghèo mà đến nay sau 30 năm đã thu được gần 15000 tỉ, hộ nghèo dưới 3%. Là tỉnh nghèo đang từng bước vươn lên thành tỉnh khá. Người Hà Tĩnh bằng mọi cách để phát triển kinh tế ở quê hương, lao động sáng tạo làm kinh tế ở ngoài tỉnh. Có những ngôi sao nổi bật, như doanh nhân Phạm Nhật Vượng giàu nhất Việt Nam và nhiều con em Hà Tĩnh ở khắp nơi đang góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng quê nhà.
3. Nhân văn - đặc trưng văn hóa của người Hà Tĩnh.
Người Hà Tĩnh có truyền thống hiếu học. Học để hiểu biết, để làm người tử tế. Học để làm thầy giáo dạy luân lý, dạy chữ, dạy nghĩa cho dân, học để làm giàu, làm quan… Đó cũng là nét văn hóa của người Hà Tĩnh.
Hãy nói về văn hóa chính trị. Tấm gương sáng của Đặng Dung mặc dầu biết Trần Ngỗi (hiệu Giản Định) đã giết cha mình là Đặng Tất, nhưng khi tiếp tục sự nghiệp thay cha đánh giặc Minh phò Trần Qúy Khoáng làm vua (hiệu Trùng Quang) vẫn tôn Giản Định Đế làm thái thượng hoàng để tập hợp lực lượng kháng chiến, thật là một nghĩa cử nhân văn cao cả.
Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ đang là thương thư, biết trái ý vua khi đề xuất rút quân về không chiếm đóng Cao Miên mà giao quyền độc lập cho họ. Bị vua xử trảm, về nước hạ chức từ thượng thư xuống lính trơn vẫn vui vẻ hiên ngang với bổn phận.
Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tấm gương Phan Đình Phùng, thấy được nhục mất nước ông đã từ quan dấy binh khởi nghĩa dưới ngọn cờ Cần vương. Nghĩa cử của một vị quan triều đình là ngọn cờ tụ hội các nhân tài như Lê Ninh, Cao Thắng, Tống Duy Tân..., thu phục được nhân tâm nên dân ủng hộ, nêu bài học về chiến tranh nhân dân.
Sau này, những người con của Hà Tĩnh tham gia thành lập Đảng, trở thành những nhà lãnh đạo, những nhà chính trị đi theo Nguyễn Ái Quốc cũng xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân. Đồng chí Trần Phú trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, phát triển đường lối mà Nguyễn Ái Quốc nêu ra, làm cách mạng tư sản dân quyền, cách mạng thổ địa tiến lên chủ nghĩa cộng sản, đã dự thảo Luận cương chính trị được Hội nghị tháng 10/1930 của TW Đảng thông qua về con đướng cách mạng Việt Nam giải phóng dân tộc đi lên CNXH, là đường lối xuyên suốt cho cách mạng Việt Nam từ đó đến nay. Con đường cách mạng của Đảng đã được Đảng bộ Hà Tĩnh khi từ khi ra đời (tháng 3/1930) vận dụng vào cuộc sống. Các chiến sĩ cách mạng từ những năm 1930 và về sau này là ngọn cờ tập hợp toàn dân lập nên những chiến công trên quê hương. Các thế hệ cán bộ, đảng viên người con của Hà Tĩnh đã có công đóng góp tại quê hương nhà và góp phần xứng đáng vào công cuộc cách mạng giải phóng và xây dựng đất nước; với hai Tổng Bí thư, nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW, Ủy viên TW Đảng,bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy nhiều tỉnh.v.v.. từ khi có Đảng cho đến nay.
Trên lĩnh vực văn học nghệ thuật Hà Tĩnh có thương hiệu là vùng đất văn hiến. Với bao đời sinh sống trên vùng đất này, người Hà Tĩnh đã sáng tạo nên bản sắc văn hóa riêng để lại nhiều di sản văn hóa, vật thể, phi vật thể. Trong đói nghèo, lạc hậu, người Hà Tĩnh vẫn hào hoa vẫn tế nhị và bao trùm lên là tính nhân văn. Người Hà Tĩnh đã sáng tạo nên những làn điệu dân ca, mà ví dặm đã trở thành di sản của nhân loại; ngoài ra còn nhiều thể loại như ca trù, hát phường vải, múa sắc bùa… cùng với nguồn ca dao, tục ngữ, tập quán phong phú và đa dạng. Rất nhiều nhà thơ, nhà văn hóa lớn người Hà Tĩnh nổi danh qua các thời kỳ lịch sử, đỉnh cao là Đại thi hào Nguyễn Du. Cụ Nguyễn Tiên Điền đã trở thành ngôi sao sáng của dân tộc, của nhân loại. Trên nền tảng nhân văn của người Hà Tĩnh, với tư duy sáng tạo và trí tuệ uyên thâm, Nguyễn Du đã đưa cái tâm lên tầm của nhân loại và xuyên suốt mọi thời đại. Từ cái tâm mà hòa nhập được với mọi lớp người, đã đi đến tận cùng của những xung đột, những nghịch cảnh, cả những nổi bất hạnh để rồi cùng đồng cảm với họ. Đó là tư tưởng nhân văn cách tân, mới mẻ và có sức truyền cảm đến lạ thường. Cụ đã đưa thơ vào tiểu thuyết, với tiểu thuyết bằng thơ lục bát, truyện Kiều là tác phẩm văn học sáng chói của nền thơ ca Việt Nam. Hiện nay đọc truyền Kiều của Nguyễn Du, đã hơn hai thế kỷ mà vẫn gợi mở biết bao điều về thời cuộc, bao vấn đề lớn đang đặt ra cho sự nghiệp giải phóng nhân loại, giải phóng con người. Thật là tự hào với người Hà Tĩnh có tư duy sáng tạo đến như vậy.
Trên nền văn hóa của quê hương, tiếp nối truyền thống của cha ông, các thế hệ con em người Hà Tĩnh hoạt động trên lĩnh vực khoa học, văn học, nghệ thuật ở thời đại mới tiếp tục có những sáng tạo. Hà Tĩnh có những nhà khoa học nổi danh như Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Đình Tứ, Phan Huy Lê.v.v.. Huy Cận, Xuân Diệu là những nhà thơ khởi xướng nền thơ mới ở Việt Nam và là những cây đại thụ của thơ văn Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm 190 năm thành lập và 30 năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh, nhìn lại truyền thống vẻ vang của quê hương suốt chiều dài lịch sử, chúng ta tự hào về người Hà Tĩnh, từ thời xa xưa cho đến nay đã trụ lại, đứng vững và đưa vùng đất đầy khắc nghiệt này vượt qua mọi tai ương, hiểm họa, kiên cường bất khuất, luôn tìm tòi, cách tân, sáng tạo truyền nối từ đời này đến đời khác với một nét văn hóa riêng, văn hóa nhân văn của người Hà Tĩnh. Tin tưởng rằng với truyền thống tốt đẹp và sức sáng tạo sẽ được phát huy và phát triển trong thời đại mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với con đường cách mạng mà Bác Hồ và Đảng đã vạch ra, người Hà Tĩnh tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, của quê hương. Con người và vùng đất cách mạng Hà Tĩnh sẽ tiếp tục cách tân, sáng tạo để lập nên những thành quả mới, thực hiện được lời căn dặn của Bác Hồ làm cho Hà Tĩnh nổi bật lên.
Hà Tĩnh, ngày 5/6/2021.

 

Comments on social media
THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Mỗi dân tộc, có một nền tảng đạo lý căn bản của sự tồn tại. Chính nền tảng đạo lý đó tạo ra bản sắc văn hóa của dân tộc. Cái Đạo dân tộc thường xuyên thấm nhuần sâu sắc trong cái Lý căn bản của hệ thống pháp luật. Cả hai phương diện Đạo và Lý đó đều phải được xử lý sâu sắc và nhuần nhuyễn trong mọi vấn đề của TTATXH để có một xã hội ổn định và phát triển..