VIỆN NGHIÊN CỨU & BẢO TỒN VĂN HÓA


SỰ TÍCH ĐỀN THỜ THẦN THÀNH HOÀNG (Thôn Bình Minh-Xã Thạch Bình-TP Hà Tĩnh )

Ngày đăng: 28/04/2024Xem:

907

Đến với thôn Bình Minh, Xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh, ai cũng cảm nhận được một địa danh mà thiên nhiên đã ban cho một cảnh quan hài hòa. Vùng đất thủy tụ bồi lắng phù sa, có sông xanh uốn lượn bao quanh cánh đồng làng mạc nơi đây.


Hình ảnh Đền Thờ Thần Thành Hoàng

Đứng trên cao quan sát xuống toàn cảnh thôn Bình Minh, một ngôi đền cổ tọa lạc trên khoảnh đất chừng 2ha, như một mâm xôi tròn vành vạch với những màu xanh tươi rười rượi của cây cối. Đền thờ THẦN THÀNH HOÀNG đã có tới hàng trăm năm tuổi. Phía trước có dòng sông Phủ (Nghiêu) uốn mình nhẹ nhàng, lại còn có Cồn Thạch nước cuộn chảy ôm vòng eo quanh làng. Cùng với cánh đồng lúa nước  diện tích khoảng gần 4 ha, bằng phẳng nhất xã Thạch Bình, mỗi năm cho hai vụ lúa bội thu.

Sự hiện diện một ngôi đền đã cổ xưa được nhân dân tôn tạo và thờ tự giữa làng quê tĩnh mịch làm tăng thêm vẻ linh thiêng của vùng đất này. Đền thờ các vị Thiên Thần, Địa Thần và Nhân Thần. Nhân Thần được thờ ở đây là các vị văn võ bá quan tiền hiền nhân kiệt của làng. Nhân dân thường ngày dâng lễ, thắp hương, cầu cho mùa màng bội thu, làng xã ấm no, người người hạnh phúc, dân cường nước thịnh. Nhân dân cả xã Thạch Bình đã bao đời nay, coi đây là điểm tựa tâm linh. Dân thờ THẦN THÀNH HOÀNG để tạ ơn Thần linh và tôn sùng bậc tiền nhân đã có công giúp dân tạo dựng cơ nghiệp, bảo vệ bình an cuộc sống xưa nay; lại cầu tiếp tục phù hộ độ trì cho quê hương ngày càng phát triển, sung túc.


Ba Ban Thờ Thiên Thần, Địa Thần và Nhân Thần

Ví thử không có đền chùa, miếu mạo, không có văn tự lưu giữ và ký ức xã hội lưu truyền làm sao ta biết ông cha ta xưa kia đã phải tốn bao thời gian, công sức để có được giang sơn như ngày hôm nay.

Đền có kiến trúc cổ xưa như Cổng Tam quan, các Ban thờ Thần và miếu Trung thần tiết nghĩa. Trong khu Đền thờ THẦN THÀNH HOÀNG, người dân Phất Não xưa còn lưu giữ một ngôi miếu cạnh lối vào, ngay trên bến đò Neo, bên bờ sông Phủ (xưa gọi là  sông Nghiêu). Đó là miếu Trung thần tiết nghĩa để thờ NGUYỄN HOÀNH TỪ, đỗ Tiến sĩ năm Gia Thái thứ 5 (1577), người có nhiều công lao đóng góp vào sự ổn định đất nước những năm cuối thế kỷ XVI. NGUYỄN HOÀNH TỪ được nhân dân tôn thờ là vị Nhân Thần của làng.

Dẫu nhiều trăm năm tuổi, dầu dãi thời gian, trải chiến tranh binh lửa, đến núi sông cũng biến cải, vậy mà ngôi Đền cùng với những giá trị tinh thần của nó vẫn nguyên như một mốc son chói lọi vừng nhật nguyệt. Rõ ràng sự hình thành và phát triển làng Phất Não xưa gắn liền với những vĩa tầng văn hóa thẳm sâu lâu nay đang bị khuất lấp, may còn có ngôi đền cổ này minh chứng. Thôn Bình Minh, Xã Thạch Bình nay chính là thôn Trung Thượng, Trung Hậu trước đây.


Miếu Thờ Trung Thần Tiết Nghĩa

Câu chuyện được các bậc cao niên có hơn 9 thập kỷ sinh sống tại mảnh đất này truyền lại rằng: Vào thời nhà Hậu Lê, đầu niên hiệu Quang Hưng (năm 1578), một người họ Nguyễn ở xã Phất Não lúc đó 42 tuổi thi đỗ Nhị giáp chế khoa. Ông được Vua ban danh hiệu Hoành Từ và bổ chức Tả thị lang bộ Lại. NGUYỄN HOÀNH TỪ là người giỏi làm thơ, thông thạo y học, địa lý, thiên văn, đã có nhiều công lớn với triều đình lúc bấy giờ. Năm 1599, ông đột nhiên lâm bệnh, rồi mất lúc còn tại chức ở Kinh Đô Thăng Long (vào 10 tháng 9) . Phục mệnh chỉ dụ  của Vua Lê, Triều đình đã cử hành một đoàn thuyền rồng 24 chiếc đi bằng đường thủy từ Thăng Long về bến đò Neo làng Phất Não và tổ chức mai táng với nghi lễ trang trọng tại đây. Ghi nhớ công trạng, cảm tạ ân đức, nhân dân muốn mãi về sau khói hương thờ nên đã tấu trình lên quan phủ xin nhà Vua cho xây dựng một ngôi đền thờ NGUYỄN HOÀNH TỪ . Kể từ đó nhiều điều nhiệm mầu linh ứng đã liên tiếp diễn ra trên vùng đất thiêng này . Về sau dân nơi đây suy tôn Ngài là “Hoành Bắc Đại Vương Phúc thần làng Phất Não” .


GS.TS Hồ Trọng Ngũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Bảo tồn văn hoá đang cùng với Ông Hồ Lý Xuân (Thủ từ) khảo cứu khu đền.

Đến triều đại Tây Sơn, ngày 26 tháng 11 năm 1788 (nhằm 23 Tết Mậu Thân), một ngày sau sự kiện trọng đại Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đăng quang, lên ngôi Hoàng đế, Nhà vua ra lệnh xuất quân, Bắc tiến để đại phá quân Thanh. Chiến công mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 vang dội,giải phóng kinh thành Thăng Long, đánh đuổi 29 vạn quân Thanh xâm lược ra khỏi bờ cõi. Dân làng Phất Não từ xưa vẫn thường truyền nhau rằng, một chuyện là đã xảy ra với đoàn quan quân của Nguyễn Huệ khi đi qua vùng đò neo này. Chẳng biết vì sao, khi qua vùng nước trước đò Neo, những chiếc chèo không chịu khua xuống nước, gió buồm yếu đi một cách bất thường, ba quân hốt hoảng…Nhà Vua hạ lệnh cho toàn quân dừng lại để hỏi người dân trong làng về hiện tượng này. Các già làng đã xưng với Vua về sự linh thiêng của thủy địa nơi đây. Vua cho tổ chức các nghi lễ cầu Thần linh. Lễ xong, gió nổi lên … Thấy linh ứng, Vua Quang Trung đã đứng lên chỗ Cồn Thạch (hiện nay đang còn dấu tích ) nói với ba quân rằng :”Ta đã được thần thiêng phù hộ và giúp đỡ chúng tướng hãy yên tâm cùng ta đánh nốt trận này !” Quân sĩ nghe vậy reo hò mừng rỡ, tin chắc trận này ra Bắc sẽ đánh thắng quân Thanh. Và thực tế, gió đã đẩy đoàn thuyền đi nhanh đến kỳ lạ.

Nhiều sử liệu còn ghi lại việc đội quân Tây Sơn đã từng dựng trại ở đây. Chuyện của dân làng vùng Phất Não kể rằng: Một đoàn voi chiến của Tây Sơn và đội quản tượng đã từng tập trung ở đây. Các vị lão thành ở vùng này còn nhớ bài hịch gọi đò của vua Quang Trung ban bố vào một đêm cuối tháng 12 năm 1788, khi đại quân thần tốc qua đây:

          "Ngang nhiên chi tướng
Hùng binh chi quân
Khẩn đáo Bắc Hà
Tảo trừ Thanh tặc
Đại binh chi tề tựu giang biên
Yếu đắc tốc hành cấp hạn
Sở tại chi quan
Giang biên chi dân
Tốc bát giang thuyền
Giải thanh bề bề bộn bộn
Bất lai tức trảm trảm tru tru"

Nhân dân các vùng ven sông đã đưa hết các loại thuyền lớn nhỏ của mình ra chở quân lính, vũ khí, lương thảo, voi ngựa của Tây Sơn sang sông. Lịch sử Hà Tĩnh (Tập I) cũng chép thời đó nhiều thanh niên trai tráng vùng này đã tình nguyện tòng quân trong những ngày sôi động ấy.Nhiều câu chuyện lịch sử còn ghi lại về những người dân hai bên sông Nài Giang và Sông Nghiêu Thủy hăng hái theo Tây Sơn, như Dương Bá Học 17 tuổi , Nguyễn Đình Quyền, Đặng Đăng Minh gia nhập nghĩa quân Tây Sơn, một số người khác cũng tình nguyện theo nghĩa quân về sau đã trở thành những nhân vật ưu tú mà tên tuổi và công lao còn được lưu truyền mãi. Trở về từ cuộc chiến thắng, Vua Quang Trung đã chấp nhận phong thần cho Đền và các vị thần linh nơi này .

Đến thời nhà Nguyễn, để tạo tiền đề chấn hưng dân tộc, Triều đình tổ chức ghi nhận sự linh ứng nhiệm mầu của các đấng thần linh khắp cả nước. Vùng đất Phất Não được ghi nhận bằng việc Vua sắc cho dân bản xã lập đền thờ nhân thần và nhiên thần.

Từ diện mạo kiến trúc đền thờ THẦN THÀNH HOÀNG trên đất  Phất Não cũng như những thư tịch cổ ghi chép lại cho thấy lòng ngưỡng mộ của người dân đối với các vị Thần linh đã có công khai ấp lập làng, vỗ yên che chở cho dân, cho làng nước được an lành. 

Comments on social media
THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Mỗi dân tộc, có một nền tảng đạo lý căn bản của sự tồn tại. Chính nền tảng đạo lý đó tạo ra bản sắc văn hóa của dân tộc. Cái Đạo dân tộc thường xuyên thấm nhuần sâu sắc trong cái Lý căn bản của hệ thống pháp luật. Cả hai phương diện Đạo và Lý đó đều phải được xử lý sâu sắc và nhuần nhuyễn trong mọi vấn đề của TTATXH để có một xã hội ổn định và phát triển..