VIỆN NGHIÊN CỨU & BẢO TỒN VĂN HÓA


THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Ngày đăng: 25/04/2024Xem:

600

Mỗi dân tộc, có một nền tảng đạo lý căn bản của sự tồn tại. Chính nền tảng đạo lý đó tạo ra bản sắc văn hóa của dân tộc. Cái Đạo dân tộc thường xuyên thấm nhuần sâu sắc trong cái Lý căn bản của hệ thống pháp luật. Cả hai phương diện Đạo và Lý đó đều phải được xử lý sâu sắc và nhuần nhuyễn trong mọi vấn đề của TTATXH để có một xã hội ổn định và phát triển.

 



1.Tiếp cận các khái niệm.
  Trong luận điểm của C. Mác rằng, Nhà nước giữ cho xã hội “nằm trong vòng trật tự”[1] đã hàm ý về một trật tự xã hội được thiết lập nên và bảo đảm bởi Nhà nước. Trật tự xã hội (TTXH) bao giờ cũng là thành quả của cách mạng xã hội, thể hiện một cấp độ tiến bộ xã hội ở mỗi hình thái kinh tế xã hội và kiểu nhà nước. Xét cho cùng các cuộc cách mạng xã hội cuối cùng đi đến xác lập một trật tự xã hội mới mà ở đó mục tiêu, lợi ích cơ bản của giai cấp (trước hết của đảng phái chính trị lãnh đạo) được bảo đảm, được bảo vệ bởi sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước và pháp luật. Trong đời sống của nhân loại, sự phát triển kinh tế và sự tiến bộ của nền sản xuất vật chất nhìn chung thường tuân theo những quy luật phổ quát. TTXH là sự phản ánh tập trung bản chất của hình thái kinh tế - xã hội ở một đất nước. Ngày nay, khi chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì TTXH tất yếu chịu ảnh hưởng của cơ chế thị trường, nhưng không thể để các giá trị vật chất và sự cạnh tranh tự do làm đảo lộn toàn bộ TTXH, mà cần giữ được tính định hướng cho TTXH để các giá trị xã hội xã hội chủ nghĩa vẫn là chủ đạo và hướng đích của các quan hệ lập nên TTXH. Điều này là mục tiêu, nhiệm vụ và thước đo các phẩm chất chính trị đối với Đảng Cộng sản cầm quyền, đang lãnh đạo xã hội đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu TTXH mà hoàn toàn bị các giá trị của thị trường tự do hướng lái và điều chỉnh mục tiêu phát triển thì Đảng Cộng sản đã mất đi trên thực tế vai trò lãnh đạo xã hội, hoặc là bản chất chính trị, hệ tư tưởng, hệ thống giá trị chủ đạo của Đảng đã thay đổi.Vì thế, giữ định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường, theo Cương lĩnh của Đảng chính là đấu tranh để các quan hệ lập nên TTXH trong điều kiện cơ chế kinh tế mới, chấp nhận sự tác động, điều chỉnh nhất định của những quy luật kinh tế thị trường, nhưng không hoàn toàn bị biến thái.
Thuật ngữ trật tự xã hội được hiểu với nghĩa rộng nhất để chỉ trật tự của một xã hội. Đó là trật tự sắp xếp, vận hành toàn bộ các loại quan hệ xã hội trong một xã hội được quản lý. Với ý nghĩa đó, TTXH sẽ được thiết lập bởi toàn bộ các chuẩn mực pháp luật và các chuẩn mực xã hội khác, bao gồm từ tổ chức, vận hành thể chế chính trị do Đảng cầm quyền với hệ tư tưởng bảo vệ tính chính đáng của sự cầm quyền đó; hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước để thực hiện đường lối chính trị đối nội, đối ngoại; tổ chức và vận hành các thiết chế kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục vv… cho đến những hoạt động quân sự, quốc phòng; những hoạt động bảo đảm an toàn công cộng, trật tự công cộng, đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm, các hoạt động khác để bảo vệ pháp luật, bảo vệ các quyền lợi ích chính đáng của người dân vv... Nói cách khác, trong nội hàm của TTXH đã hàm chứa các nội dung trật tự về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối nội, đối ngoại…bao gồm tất cả các quan hệ xã hội được tổ chức vận hành theo Hiến pháp và pháp luật và đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
          Trật tự, an toàn xã hội - một trong những bộ phận quan trọng, rường cột của TTXH. Mỗi quan hệ xã hội đều có hai phương diện cần bảo đảm đó là an ninh và an toàn. Trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) là một bộ phận, một phương diện và là phương diện an toàn của TTXH; bảo đảm cho TTXH vận hành bình thường, theo xu hướng tiến bộ. Trật tự, an toàn xã hội  là hệ thống các quan hệ xã hội tạo nên trạng thái an toàn, ổn định và vận hành bình thường tất cả các thành tố, thiết chế xã hội. Trật tự, an toàn xã hội là điều kiện cần thiết khách quan cho tồn tại, ổn định và phát triển của TTXH. Trật tự, an toàn xã hội bảo đảm để không diễn ra sự cố phá vỡ trật TTXH.
Trật tự, an toàn xã hội quyết định khả năng thực hiện các mục tiêu khác của tiến bộ xã hội. Nếu TTATXH được tổ chức văn minh, năng động và bám sát, tuân thủ mục tiêu phát triển thì sẽ là bà đỡ cho sự tiến bộ xã hội. Ngược lại, nếu không được tổ chức tốt, TTATXH có thể trở thành bức tường ngăn cản sự phát triển, tiến bộ của TTXH. Trật tự, an toàn xã hội không được bảo đảm thì mọi sự năng động xã hội bị hạn chế, bị tiêu diệt. Văn hóa xã hội và các quyền con người, quyền công dân bị xâm hại. Các giá trị xã hội bị đảo lộn. Tiến bộ xã hội không thể có được. TTATXH được xây dựng trên nền tảng văn hóa pháp luật của đất nước.
        Văn hóa pháp luật (Văn hóa pháp lý) được định n ghĩa theo nhieuf cách khác nhau nhưng tựu trung là sự kết hợp nhuần nhuyễn, khắng khít giữa các giá trị văn hóa và các giá trị pháp lý.  Trong mỗi giá trị văn hóa có khía cạnh pháp lý, trong toàn bộ văn hóa có văn hóa pháp lý. Trong mỗi quy phạm pháp luật có những giá trị văn hóa, hoặc cả một hệ thống giá trị văn hóa. Văn hóa pháp luật là một bộ phận cấu thành của văn hóa. Pháp luật là sản phẩm văn hóa. Văn hóa là tinh thần của pháp luật, là nội dung phản ánh những thành tựu của xã hội trong pháp luật. Quan hệ giữa các giá trị pháp luật và các giá trị văn hóa chính là mối quan hệ biện chứng giữa Lý và Đạo trong văn hóa. Trong đời sống pháp lý của xã hội, các quan hệ pháp luật phải nhất quán với các giá trị văn hóa. Xây dựng pháp luật phải phản ánh các giá trị văn hóa, nhất quán với hế thống các giá trị căn bản của văn hóa, có mục tiêu bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Đời sống văn hóa của xã hội phải thượng tôn pháp luật. Lấy các giá trị pháp lý phổ quát làm bệ đỡ cho sự bảo vệ bảo tồn các giá trị, thành quả văn hóa. Đời sống xã hội văn minh “trăm điều phải có thần linh pháp quyền” như lời dạy của Chủ tích Hồ Chí Minh vĩ đại.
        Văn hóa pháp luật chính là sự đúc kết, chuyển tải các giá trị truyền thống, đạo đức, thuần phong, mỹ tục vào pháp luật. Một nền pháp luật mà nhất quán sâu sắc, chuyển tải tối đa các giá trị văn hóa đó thì sẽ có một trật tự pháp luật hài hòa. Và trật tự pháp luật hài hòa chính là lập nên hệ môi trường thuận lợi cho bảo đảm TTATXH. Mỗi dân tộc, có một nền tảng đạo lý căn bản của sự tồn tại. Và chính nền tảng đạo lý đó tạo ra bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính vì thế, trong xây dựng pháp luật, các quốc gia dân tộc không thể vay mượn truyền thống pháp lý của dân tộc khác để xây dựng hệ thống pháp luật của dân tộc mình. Cũng như vậy, cái Đạo dân tộc thường xuyên thấm nhuần sâu sắc trong cái Lý căn bản của hệ thống pháp luật.Cả hai phương diện Đạo và Lý đó đều phải được xử lý sâu sắc và nhuần nhuyễn trong mọi vấn đề của TTATXH để có một xã hội ổn định và phát triển.
        Thiếu TTATXH các giá trị văn hóa khác sẽ khó được sản sinh do bị ngăn chặn, bị tước đoạt, bị tiêu diệt…Trật tự, an toàn xã hội thể hiện khả năng bảo toàn các giá trị văn minh của xã hội, làm cho các giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần đều được giữ đúng giá trị của nó mà không bị xuyên tạc, méo mó, bị đánh giá sai, bị nhầm lẫn về giá trị, bị cướp đoạt, che đậy, đánh tráo…

2. Khía cạnh văn hóa của quan hệ Nhà nước và công dân trong xã hội hiện đại – nhìn từ lợi ích bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
       Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Vậy thì trật tự, an toàn xã hội, như một trạng thái an toàn trên con đường đó, phải được soi sáng bằng văn hóa. Trật tự an toàn xã hội vừa là hệ quả của sự thực hiện pháp luật, vừa là tập đại thành của những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đời sống hạnh phúc của một dân tộc phụ thuộc căn bản vào chất lượng của trật tự xã hội, trong đó an toàn xã hội lại là cốt lõi.
         An toàn xã hội có được khi pháp luật phản ánh đúng đắn ý chí, nguyện vọng của toàn dân và trật tự pháp luật được bảo đảm. Trật tự đó là kết quả của điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội để thực hiện Hiến pháp.
       Hiến pháp định hình quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân trong xã hội trên nèn tảng những giá trị căn bản, cốt lõi của văn hóa dân tộc. Ở nước ta, vai trò của văn hóa được Đảng cầm quyền khẳng định là “nền tảng tinh thần, động lực và mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội”. Khi Hiến pháp long trọng tuyên bố "Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện" (Điều 3, Hiến pháp 2013) thì xét trên phương diện văn hóa Hiến pháp đã bảo vệ những giá trị văn hóa, thành tựu văn hóa chính trị quan trọng nhất của xã hội: Nhà nước và TTXH.
        Nhưng mặt khác, Hiến pháp cũng xác định nghĩa vụ của công dân với Nhà nước, xét trên phương diện bảo đảm TTATXH. Theo đó,công dân "có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội." ( K3, Điều 15); "có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc" (Điều 44); "phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân" (Điều 45 Công dân "có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng"(Điều 46). Đó cũng chính là nghĩa vụ mà mỗi công dân phải thực hiện để bảo vệ những giá trị văn hóa phổ quát nhất.
          Quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp long trọng tuyên bố chỉ có thể thực hiện khi TTATXH được bảo đảm. Quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người, các quyền cơ bản của con người được Hiến pháp long trọng tuyên bố chỉ có thể thành hiện thực khi được bảo đảm bởi sự hiện thực hóa các quan hệ xã hội hàm chứa các quyền đó. Các quan hệ này được tổ chức triển khai bình thường khi và chỉ khi TTATXH được bảo đảm. Bình đẳng xã hội như một thành tựu của nền văn hiến chỉ có thể đạt được khi TTATXH tồn tại thực sự. Sự vi phạm TTATXH từ bất cứ chủ thể nào kể cả các phần tử chống lại xã hội hay các cá nhân, tổ chức, bộ máy nhân danh quyền lực xã hội đều làm hạn chế, thậm chí thủ tiêu các quyền mà Hiến pháp quy định. Sự kiểm soát TTATXH không chặt chẽ sẽ làm các thiết chế xã hội, các hoạt động của những thiết chế quyền lực liên quan đến quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân bị hạn chế, bị xâm hại, thậm chí bị thủ tiêu.
          Văn hóa dân tộc đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành, phát triển và chất lượng của TTATXH. Thực hiện được hay không điều mà Hiến pháp long trọng tuyên bố đó phục thuộc vào trình độ văn hóa chính trị, văn hóa quản trị quốc gia.
         Trên cơ sở kế thừa và phát triển những tư tưởng về văn hóa từ các nhiệm kỳ trước, Đại hội XIII của Đảng CSVN tiếp tục khẳng định: văn hóa là nền tảng tinh thần và đề ra định hướng phát triển văn hóa trong giai đoạn 2021-2030 là”xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ Quốc”
         Thực tiễn đã chưa quản lý và thực hiện được những chủ trương đề ra về văn hóa. Xét trên hầu hết các phương diện của thực tế xã hội, văn hóa đã bị đặt vào hàng thứ yếu, và hệ quả là “môi trường văn hoá bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức…”[2] Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá đúng đắn và khiêm tốn rằng: ””. Vì thế, để thực hiện định hướng chiến lược mà Đại hội nhiệm kỳ XIII của Đảng đề ra trên lĩnh vực văn hóa “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”[3] thì vấn đề nâng cao trình độ văn hóa của toàn xã hội, trong đó và trước hết văn hóa pháp luật, văn hóa đạo đức  có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
        Nâng cao trình độ văn hóa pháp luật, văn hóa đạo đức nói chung, với những tư tưởng, nhận thức mới về quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp 2013 là vấn đề rất căn bản trong bảo đảm TTATXH. Sự xuống cấp của đạo đức xã hội, của văn hóa pháp luật là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến những hiện tượng phức tạp, nguy hại cho TTATXH. Nâng cao trình độ văn hóa pháp luật, văn hóa đạo đức cho toàn dân là một nhu cầu khách quan bức xúc, phải được giải quyết bằng nhiều hình giải pháp tích cực trong chiến lược phát triển. Nâng cao trình độ nhận thức pháp luật, đề cao những giá trí văn hóa truyền thống, hình thành tâm lý thượng tôn pháp luật trên nền tảng đạo đức truyền thống, củng cố tinh thần pháp luật sâu sắc sẽ là điều kiện quan trọng xây dựng xã hội văn minh.
          Sự thấm nhuần các khía cạnh Lý và Đạo trong đời sống xã hội sẽ là chỗ dựa tinh thần quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển xã hội. Trong đời sống pháp lý của xã hội phải chuyển tải sâu sắc các giá trị văn hóa đạo đức của dân tộc. Giáo dục, phát triển văn hóa đạo đức trong xã hội hiện đại phải thượng tôn các yêu cầu pháp luật. Quan hệ giữa Nhà nước, xã hội và công dân sẽ phát triển tốt đẹp thành căn bản kiến trúc cho sự phát triển đất nước khi bảo đảm được sự hài hòa, nhất quán giữa Lý và Đạo. 
       3.    Nâng cao hơn nữa vấn đề các giá trị văn hóa trong bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
      Xét trên phương diện văn hóa chính trị, trật tự an toàn xã hội quyết định sự thành bại của giai cấp cầm quyền và của Nhà nước xét với tư cách người tổ chức quản lý toàn bộ xã hội.
         Trật tự xã hội là hệ quả của sự quản lý, điều hành và quản lý của Nhà nước đối với xã hội. Biện chứng của ổn định và phát triển TTXH đòi hỏi xã hội phải bảo đảm TTATXH. Trong TTATXH, trước hết là sự tự kiểm soát của Nhà nước đối với chính mình. Nhà nước – chủ thể quyền lực bao trùm nhất của xã hội phải là nhân tố chủ đạo bảo đảm TTATXH. Các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức nhà nước phải là những nhân tố đầu tàu, gương mẫu trong thực hiện các quy định của pháp luật lập nên Trật tự xã hội.
       Các thiết chế xã hội tất thảy đều có giá trị đối với TTATXH. Khi một xã hội được tổ chức khoa học, ngăn nắp thì tất cả các thiết chế xã hội đều hướng đến mục tiêu ổn định và phát triển, thịnh vượng của đất nước, của xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là bất cứ một thiết chế nào chệch hướng mục tiêu phát triển, gây cản trở hay làm tiêu phí vô ích những nguồn tài nguyên, vật lực của xã hội, thì tự nó đã làm hại cho trật tự xã hội, tạo nên những tình huống, những giá trị không an toàn đối với xã hội. Nhà nước như một sản phẩm được nhân dân tạo dựng nên để điều tiết các lợi ích, các hiện tượng, xử lý các vấn đề xung đột với lợi ích phát triển của toàn dân tộc, của cả đất nước sẽ phải chịu trách nhiệm trước bất cứ điều gì bất lợi cho xã hội và bất lợi cho các quyền, lợi ích hợp lý của con người, của công dân. Điều này dẫn đến một yêu cầu mang tính khách quan là Nhà nước với tư cách là chủ thể quản lý xã hội, chủ thể quyền lực bao trùm nhất đối với toàn xã hội, đồng thời cũng là đại diện chung nhất cho lợi ích của toàn xã hội, có trách nhiệm, nghĩa vụ phải can thiệp để các thiết chế đó đi đúng mục tiêu của toàn xã hội.
         Chính để bảo đảm thực thi nghĩa vụ đó mà Nhà nước tổ chức ra các lực lượng có sức mạnh, làm nhiệm vụ bạo lực, trấn áp đối với các hành vi, hiện tượng, chủ thể gây ra những tác hại đối với xã hội, đối với con người. Các lực lượng này phải hành động để xã hội được giữ trong một trật tự an toàn. Trật tự đó bình an, ổn định sẽ tạo nên điều kiện cho các quá trình xã hội khác vận hành tiến bộ, phát triển.
          Nhà nước và xã hội phải đầu tư khoản kinh phí cần thiết để cho sự nghiệp giữ gìn TTATXH. Xét về trách nhiệm pháp lý, Nhà nước phải bảo đảm huy động các nguồn lực một cách hợp pháp để bảo đảm chi phí cho TTATXH. Đồng thời Nhà nước phải động viên các nguồn lực xã hội trên tất cả các phương diện đời sống xã hội để củng cố, tăng cường . Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trong quản lý xã hội hiện đại là lấy hạnh phúc của người dân làm tiêu chí phấn đấu và là điều kiện ổn định TTXH.
          Trong điều kiện đất nước đổi mới, hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế, quan hệ giao thương, trao đổi, tiếp cận và thụ hưởng những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của nhân loại trở nên thuận lợi. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng thể hiện nhiều yếu tố bất lợi. Tội phạm và các hiện tượng bất hảo xã hội cũng dễ giàng quốc tế hóa. Nhiều giá trị thuần phong mỹ tục có thể bị phong hóa, lai căng; xâm nhập nhiều giá trị văn hóa ngoại lai. Vì thế nhiệm vụ bảo đảm TTATXH càng trở nên khó khăn, bức xúc; đồng thời là điều kiện cần thiết khách quan, tiên quyết để đất nước hội nhập kinh tế, văn hóa sâu rộng mà vẫn bảo đảm cho xã hội càng phát triển, ổn định.
         Cẩn khẳng định rằng bảo đảm TTATXH là thực hiện mục tiêu của đấu tranh bảo vệ chế độ xã hội, là biểu hiện cụ thể của ai thắng ai trong cuộc chiến chứng minh sự vượt trội của một chế độ xã hội. Vì thế, trong điều kiện hiện đại, bảo đảm TTATXH phải được thực hiện theo những chỉ dẫn của khoa học quản lý xã hội. Điều đáng nói là cái căn bản nhất bảo đảm cho xã hội có trật tự lại là sự phát triển nhất quán, ổn định bản sắc, sự phát triển liên tục không bị đứt gãy của truyền thống đạo lý và hệ thống các giá trị văn hóa chủ đạo. Vì thế cần đề cao hơn nữa vấn đề các giá trị văn hóa trong bảo đảm TTATXH cả trên phương diện quan điểm, lý thuyết cũng như thực tiễn quản lý xã hội

Comments on social media
THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Mỗi dân tộc, có một nền tảng đạo lý căn bản của sự tồn tại. Chính nền tảng đạo lý đó tạo ra bản sắc văn hóa của dân tộc. Cái Đạo dân tộc thường xuyên thấm nhuần sâu sắc trong cái Lý căn bản của hệ thống pháp luật. Cả hai phương diện Đạo và Lý đó đều phải được xử lý sâu sắc và nhuần nhuyễn trong mọi vấn đề của TTATXH để có một xã hội ổn định và phát triển..