VIỆN NGHIÊN CỨU & BẢO TỒN VĂN HÓA


Trận chống càn của Quân dân Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) năm 1953: Sau 69 năm nhìn lại

Ngày đăng: 28/03/2024Xem:

925

Thực hiện chiến lược nhanh chóng giành lại quyền chủ động trên chiến trường, tạo sức ép với Chính phủ Việt Nam trên bàn đàm phán, phân tán lực lượng, phá kế hoạch tấn công chiến dịch Đông xuân 1953-1954 của quân đội ta, từ năm 1953, thực dân Pháp mở nhiều cuộc tấn công đánh vào địa bàn Thanh - Nghệ - Tĩnh.

 Khoảng 4h sáng ngày 4/9/1953, lợi dụng sương mù, 2 đại đội lính Âu Phi và ngụy quân được trang bị súng bộ binh, tăng cường hỏa lực súng đại liên, cối 60 ly và 80 ly, đổ bộ vào xã ven biển xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Lực lượng quân Pháp chia làm 3 hướng, tạo thế bao vây toàn bộ xã. Mũi thứ nhất gồm 1 trung đội tăng cường đổ bộ lên phía Bắc núi Thiên Cầm. Mũi thứ 2 khoảng 1 trung đội đổ bộ lên phía Nam núi Thiên Cầm. Mũi thứ 3 tiến đánh dọc bãi ngang từ phía Bắc xuống phía Nam xã. Ngoài ra, địch còn dùng ca nô bí mật chở 1 trung đội luồn lách theo cửa lạch đánh vào xóm Cồn Bè, Thiên Tri, kết hợp với các cánh quân đánh chiếm thôn Võ Sỹ rồi vòng xuống phía Nam.


Vùng đất được UBND xã Cẩm Nhượng quy hoạch để xây dựng nhà bia tưởng niệm

Sau khi phát hiện địch đổ bộ vào xã, Ban Chỉ huy xã đội đã chỉ thị cho trung đội dân quân cơ động nhanh chóng phối hợp với lực lượng dân quân tại chỗ các thôn, xóm đánh chặn địch. Lợi dụng địa hình quen thuộc, phát huy thế mạnh cách đánh du kích, từng tổ dân quân du kích lúc giáp mặt quần lộn với địch, lúc vòng tránh đánh sau lưng, hai bên sườn, lúc đánh thẳng vào đội hình hành quân của địch, làm chúng hoang mang, lúng túng.

Bị đánh bất ngờ từ nhiều hướng, địch phải dùng hỏa lực bắn phá vào các thôn, xóm, huy động thêm lực lượng bao vây trung đội dân quân cơ động của xã. Một tổ dân quân cơ động gồm 6 đồng chí: Chân, Thông, Hóa, Qưới, Xuân, Hòa đánh vào hướng chủ yếu của địch. Lực lượng của địch đông gấp nhiều lần nhưng các đồng chí đã chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt tại chỗ nhiều tên. Tổ dân quân cơ động có nhiệm vụ cầm chân địch không cho đánh sâu vào địa bàn xã, 6 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Đồng chí Nguyễn Trọng Lê một mình đảm đương 1 mũi, dùng mìn, lựu đạn, lợi dụng triệt để địa hình, địa vật đánh lui các đợt tấn công của địch. Đồng chí Lê tiêu diệt được 3 tên, bắn bị thương nhiều tên, sau đó đã anh dũng hy sinh trong vòng vây của địch.

Ở phía Đông Cửa Nhượng, lực lượng du kích thôn Phúc Hải, Lâm Hải, Hoàng Quý hiệp đồng với dân quân thôn xóm xung quanh đánh địch. Phía Nam xã, dân quân các thôn: Võ Sỹ, Cồn Bè, Thiên Tri phối hợp với nhau chia cắt đội hình địch để tiêu diệt. Quân địch thương vong nhiều, buộc phải dừng lại ở trạm muối, dùng hỏa lực bắn vào làng. Đến 13h cùng ngày, địch phải rút chạy ra biển, dân quân xã Cẩm Nhượng tiêu diệt được 30 tên và làm bị thương nhiều tên. Trận chống càn giành thắng lợi nhưng chúng ta cũng bị thiệt hại lớn, hơn 100 người dân bị địch giết hại, 7 chiến sỹ du kích hy sinh, 5 chiến sỹ bị thương.



Viện nghiên cứu và bảo tồn văn hóa làm việc và khảo sát các di tích tại xã Cẩm Nhượng

Từ trận đánh quân Pháp đổ bộ của quân dân xã Cẩm Nhượng, chúng ta đã đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm, không những cho LLVT Hà Tĩnh mà cho cả LLVT Quân khu 4. Bởi đây là một trận đánh mà quân địch có lực lượng và trang bị vũ khí hiện đại hơn ta rất nhiều. Quân dân Cẩm Nhượng lại chiến đấu độc lập, không có sự chi viện của quân chủ lực và các đơn vị bạn, nhưng lực lượng dân quân tại chỗ đã mưu trí, dũng cảm, biết lợi dụng địa hình, địa vật chia cắt địch để tiêu diệt, biết dựa vào dân và biết xoay chuyển thế trận, khiến địch lúng túng, bị động đối phó. Đặc biệt, dân quân xã đã phát huy được lối đánh du kích, kiên quyết tấn công, làm cho quân địch luôn bị động, có hỏa lực mạnh mà không phát huy được.

Trận chống càn của dân quân xã Cẩm Nhượng diễn ra cách đây đã 69 năm nhưng bài học kinh nghiệm về xây dựng làng, xã chiến đấu như giao thông hào, đài quan sát, phân chia các cụm dân cư, xây dựng trận địa liên hoàn, xác định hướng tấn công chủ yếu của địch để có phương án đánh địch phù hợp, đặc biệt là việc xây dựng ý thức cảnh giác cho nhân dân vẫn là những bài học nóng hổi và có ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc đối với mỗi chúng ta trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Còn một điều mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cẩm Nhượng luôn trăn trở, mong đợi nơi đây có một nhà Bia tưởng niệm để ghi nhớ sự hy sinh anh dũng của quân dân ta và tội ác đẩm máu của giặc Pháp trong trận chống càn lịch sử. Đây cũng là địa chỉ để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau. Được biết Cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Cẩm Nhượng đã có văn bản đề nghị các cấp công nhận di tích lịch sử và xây dựng nhà bia tưởng niệm tại nơi hơn 100 người Quân và dân ta bị giặc Pháp giết hại trong trận càn lên đất Cẩm Nhượng ngày 4/9/1953 (tức ngày 27/7 Năm Quý tỵ), nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Vừa qua Viện ngiên cứu và Bảo tồn văn hóa có buổi khảo sát và làm việc tại địa phương xã Cẩm Nhượng. Các nhà khoa học, các nhà ngiên cứu lịch sử văn hóa cho thấy đây là một địa chỉ cần được bảo tồn, tôn tạo. Mong cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng xem xét sớm cho phương án công nhận, xây dựng, tôn tạo di tích để cán bộ nhân dân Cẩm Nhượng thực hiện được nguyện vọng.

Trọng Thắng – Xuân Lộc

Comments on social media
THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Mỗi dân tộc, có một nền tảng đạo lý căn bản của sự tồn tại. Chính nền tảng đạo lý đó tạo ra bản sắc văn hóa của dân tộc. Cái Đạo dân tộc thường xuyên thấm nhuần sâu sắc trong cái Lý căn bản của hệ thống pháp luật. Cả hai phương diện Đạo và Lý đó đều phải được xử lý sâu sắc và nhuần nhuyễn trong mọi vấn đề của TTATXH để có một xã hội ổn định và phát triển..