VIỆN NGHIÊN CỨU & BẢO TỒN VĂN HÓA


Xứ Nghệ – hiện thực trong truyền thuyết

Ngày đăng: 29/03/2024Xem:

531

Lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã ghi danh các văn thần, võ tướng, anh hùng, nhà văn hóa xứ Nghệ. Mảnh đất miền Trung nắng gió còn lưu giữ dày đặc các di tích, danh thắng gắn với những mốc lịch sử oanh liệt, những con người xứ Nghệ kiệt xuất.

 

 

 Lễ hội Đền Cuông (xã Diễn An-Diễn Châu-Nghệ An), nơi thờ Thục An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu. Ảnh: Vĩnh Khánh

Tôi nhớ, cũng đã khá lâu rồi, tốp trò cũ tháp tùng thầy Nguyễn Tài Cẩn sang Tiên Điền thắp hương viếng cụ Nguyễn Du. Tôi hỏi thầy: Thầy nhận xét thế nào về văn hoá xứ Nghệ?

“Tôi không phải ngư­­ời nghiên cứu về Nghệ Tĩnh. Sinh ra ở Nghệ Tĩnh như­­ng ở Nghệ Tĩnh không nhiều, đọc một số bài lẻ tẻ nên biết quá ít về quá khứ vùng Nghệ. Tìm hiểu qua giai thoại, truyền thuyết, qua người này người kia, thấy Nghệ Tĩnh cũng là một vùng ghê gớm” – thầy đáp.

Chúng tôi có phần ngạc nhiên, song ai cũng tâm đắc về ý kiến của thầy. Xứ Nghệ có bãi biển dài hàng trăm km. Có biển là có sóng có bãi ngang, thời Văn Lang người Việt đã ra biển, các thế hệ con cháu sinh sống trên 220 cây số biển từ Đông Hồi-Đèo Ngang thuộc xứ Nghệ, kế thừa tổ tiên kỹ năng đóng thuyền gỗ-phương tiện mưu sinh trên biển trở thành hình tượng mỹ thuật trên mặt các trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ, Hoàng Hạ. Người Việt cổ và sóng giống nhau, lớp trước chưa kịp rút lớp sau đã xuất hiện thành quy luật truyền đời.

Hình tượng những chiến thuyền trên mặt các trống đồng cất giữ nhiều thông tin về biển của tổ tiên gửi hậu thế.

Tên đất gắn với tên làng, xã… nơi nhiều đời sinh sống làm ăn được định vị trên bản đồ. Năm 221 trước Công nguyên, nhà Tần đặt An Nam thuộc Tượng Quận. Từ 207-111 trước Công nguyên nhà Triệu cai trị An Nam, Nghệ An thuộc quận Cửu Chân (thời Hùng Vương). 257-207 trước Công nguyên An Dương Vương đóng đô ở Cổ Loa, vì để “nỏ thần trao tay giặc”, cha con Vương mở đường máu chạy vào xứ Nghệ, một số gia nhân chuyên trồng hoa phục vụ triều đình cũng bỏ Cổ Loa chạy theo.

Truyền rằng ngựa chở cha con An Dương Vương đến chân núi Mộ Dạ, thần báo Vương biết nỏ thần bị Trọng Thủy đánh tráo, Vương liền chém Mỵ Châu rồi phi ra tuẫn tiết tại Cửa Hiền, dân Nghệ vùng Cửa Hiền lập thờ Vương bên núi Mộ Dạ nay thuộc xã Diễn An huyện Diễn Châu.

Sau bi kịch Cửa Hiền, một số gia nhân trồng hoa từng theo Vương tiếp tục vượt sông Cấm chạy vào đất Nghi Lộc, nay dân các xã Trung, Liên, Kim, Đức, Ân… vẫn phát triển nghề trồng hoa, số khác chạy ra bãi ngang phía Bắc tiếp tục trồng hoa dần lập làng Hoa Luỹ xã Diễn Kim. Về sau, làng Hoa Luỹ đổi thành làng Kim Luỹ, tên bến Hoa hiện vẫn còn trong giao tiếp của cư dân. Từ làng Hoa Luỹ, một số bỏ nghề trồng hoa chuyển sang nghề vàng mã, dần lập nên làng Vàng thuộc xã Diễn Hồng.

Thời trung đại, chàng tiều phu Mai Thúc Loan người Nghệ dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Đường; sau chiến thắng, ông xưng Đế. Đến thời Trần, quốc gia nguy cơ bị vó ngựa Nguyên Mông giày xéo, Trần Nhân Tông dựng đất Hoan Diễn đứng chân tuyển vạn binh để phản công, tại sao vua không chọn đất khác?

Tháng 1/1407, tức sau 1614 năm An Dương Vương tuẫn tiết, đất nước rơi vào tay giặc Minh, cha con nhà Hồ bị truy cùng diệt tận phải mở đường máu chạy vào phương Nam, đến xứ Thanh tạm dừng. Trước đó (theo “Truyền kỳ mạn lục”), đất Thanh Hóa có ngọn núi Na cao chót vót, bên trong có động dài, hẹp, hiểm trở, hàng ngày có một tiều phu từ trong động gánh củi đi ra. Năm ấy nhà Hồ khai đại, Hán Thương lên núi đi săn gặp tiều phu và mời ông ra giúp nước nhưng không được, tiều phu tiên đoán vận hạn nhà Hồ qua hai câu thơ:

“Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn/Cao Vọng sơn đầu khách tứ sầu”.

(Kỳ La cửa bể hồn thơ đoạn, Cao Vọng đầu non dạ khách buồn.

Cao Vọng và Kỳ La là hai địa danh thuộc Thiên Cầm-Kỳ Anh, Hà Tĩnh, nơi mấy năm sau, cha con nhà Hồ bị giặc Minh bắt mang về Bắc Bình.

Hai sự kiện lịch sử An Dương Vương trót mất nỏ Thần phải tuẫn tiết, Hồ Quý Ly để mất lòng dân khiến đất nước bị 20 năm ách đô hộ bạo tàn, hai bi kịch lớn của lịch sử đều kết thúc bi thương trên bãi biển xứ Nghệ.

Khởi nghĩa Lam Sơn, 10 năm tướng sỹ một lòng nằm gai nếm mật, chính sử chỉ nói khởi nghĩa nổ ra ở xứ Thanh, không nói lý do tiềm nhập Hoan Châu chi địa (vào đất Hoan Châu đứng chân), không nói Lê Lợi cử anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí về quê Nghệ chuẩn bị tuyến phòng ngự, huy động nhân lực vật lực để chuyển sang phản công. Thời ấy, từ Nghi Lộc sang Nam Đàn qua cái truông rậm rạp, từ sau khời nghĩa Lam Sơn gọi là Truông Hiến – hàm nghĩa từng hiến ngư­­ời hiến của, thổ ngữ biến thành Truông Hến.

Kết thúc “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật”, từ “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” Lê Lợi dẫn đại quân tiếp quản Thăng Long. Truyền rằng khi đến ngã ba Yên Lý, chủ tướng Lam Sơn cho nghỉ chân để vua tiến hành Lễ mặc áo long bào, sự kiện này được lưu giữ trong tên gọi cầu Cẩm Bào trên đường Yên Lý ra làng Kim Luỹ nay xã Diễn Kim.

Vùng Phủ Quỳ có mấy điểm nghĩa quân Lam Sơn dùng làm thao trư­­ờng luyện binh gọi là Bãi Tập, những năm 80 thế kỷ trước vẫn thấy một Bãi Tập với hàng trăm gốc lim cháy dở bên Ngã Ba Săng Lẻ thuộc xã Châu Bình, Quỳ Châu. Truyền rằng Lê Lợi cho nghĩa binh đốt rừng lim để nghĩa binh lấy sáng và sưởi ấm luyện tập thâu đêm, những gốc lim cháy dở nhìn từ xa giống cọc gỗ Bạch Đằng!

 

 

Hoan Diễn do tồn thập vạn binh

Đền thờ Cương quốc công Nguyễn Xí tại xã Nghi Hợp-Nghi Lộc-Nghệ An. Ảnh: Giao HưởngĐền thờ Cương quốc công Nguyễn Xí tại xã Nghi Hợp-Nghi Lộc-Nghệ An. Ảnh: Giao Hưởng

Sử sách chép, trên đư­­ờng ra bắc Quang Trung dừng lại Phượng Hoàng Trung Đô (Vinh ngày nay) tuyển 10 vạn tinh binh. Ngày ấy, nếu Quang Trung không dừng ở Phư­­ợng Hoàng Trung Đô để “mộ 10 vạn tinh binh”, thì liệu quân xâm lư­­ợc Thanh có thảm bại nhanh đến vậy, và việc giành lại Thăng Long có diễn ra nhanh đến vậy?

Kho tàng dân gian Nghệ cũng đậm đặc truyền thuyết bi hùng, rằng thời Hùng Vương, ph­­ương Bắc sang c­­ướp n­­ước ta, vị tướng quê Nghệ chống chọi quân giặc cho tới khi cờ rách trống thủng bị giặc chém, đầu vị tư­­ớng ấy sắp lìa khỏi cổ, ông vẫn bám yên ngựa về tới sông Bùng (tên chữ Bằng Giang) thuộc đất Châu Diễn, gặp bà cụ ngồi bên bờ, hỏi:

– Bẩm cụ, xư­­a nay có ai đầu sắp rơi lắp lại mà sống đư­­ợc không?

– Không bao giờ !

Vừa dứt lời, thủ cấp vị tư­­ớng ấy rơi xuống đất, thân thể hóa ngọn núi không đầu, dân gian gọi lèn Hai Vai – một hóa thạch về tinh thần giữ nư­­ớc liệt oanh trên đất Nghệ. Lèn Hai Vai phải chăng tên gọi xuất phát từ “hai vai gánh vác sơn hà”? Lèn cách Đền Cuông thờ An Dương Vương chừng mươi cây số chim bay-một trong ba di tích văn hóa vật thể thời đại Hùng Vương còn lại trên đất xứ Nghệ (cùng núi Hồng Lĩnh, Đền Cuông), lưu giữ bài học cho muôn đời người Việt về tinh thần cảnh giác, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân xây dựng bảo vệ đất nước.

Khắp xứ Nghệ, tên gọi của nhiều ngọn núi cũng đậm chất trận mạc và khoa bảng. Nơi đoàn quân của vị tư­­ớng quyết tử chống giặc cho tới khi cờ rách trống thủng, nay ở phía Tây huyện Yên Thành vẫn còn núi mang tên Trống Thủng, Yên Mã với những đỉnh nhấp nhô như­­ diềm cờ trận. Vùng cửa biển Thượng Xá-Cửa Lò quê của tướng Nguyễn Xí-khai quốc công thần Hậu Lê, có núi Cờ, núi Kiếm, núi Voi… những hóa thạch của một thời giữ nư­­ớc. Các nơi khác trên đất Nghệ có núi Mão, núi Ấn, núi Bút, núi Mực, núi Nghiên vv… hóa thạch về ý chí hiếu học đến khổ học của người Nghệ.

Lịch sử cho thấy, bao lần đất nước bị họa xâm lăng, bấy lần sông núi đất Nghệ sinh ra những bậc văn thao võ lược để được cùng cả nước đánh đuổi xâm lăng, trong đó có Cương quốc công Nguyễn Xí. Lịch sử dân tộc tôn vinh ông danh tướng danh thần, được nhân dân nhiều địa phương trong nước lập đền thờ. Minh Vương Lê Thánh Tông truy tôn ông “người hai lần khai quốc, nâng mặt trời mà đặt lên cao”.

Nhiều người trước khi về với tổ tiên để lại di chúc, trong di chúc dành một phần nói về đạo lý tình người để khuyên dạy con cháu, phần này gọi là di huấn. Về hình thức di huấn là thể loại để nói cái riêng, song nội dung bản di huấn của Cương quốc công Nguyễn Xí lập năm 1462 (trước khi mất 3 năm) thì trong riêng có chung, trong chung mà riêng, có lẽ vì vậy mà ngay khi tác giả bản di huấn còn sống, minh vương Lê Thánh Tông vẫn cho công bố rộng rãi để toàn dân biết:

“… Ta sinh được 16 con trai và 8 con gái. Con trai lấy vợ Công chúa, con gái lấy chồng Hoàng tôn. Ai cũng được hưởng vinh quang tột mức phẩm chế. Vua còn sắc ban lộc điền công thần. Riêng ta cũng còn tậu thêm ruộng đất đầm ao tại các phủ, huyện, xã, trong đó có phần đặt làm ruộng tế, có phần chia cho các người lưu giữ làm sản nghiệp lâu dài.

Nay các người trông thấy nhà đẹp ruộng tốt, giàu có, thì phải nghĩ đến nỗi vất vả chặt gai phát bụi của ta. Trông thấy cảnh ca nhi múa hát vui vẻ, thì phải nghĩ đến thời ta phải gian khổ, nằm tuyết gối đòng. Ta thấy đời Đường, Lý Tĩnh là bậc danh tướng nhưng có hai con là Kính và Nghiệp phạm tội làm phản. Các người cần lấy đó làm gương để tránh. Đời Tống có Tào Bân cũng là danh tướng nhưng có hai con là Xán và Vĩ lại bước lên đàn tướng lĩnh. Các người nên sánh với họ. Các người con cháu phải cẩn thận giữ gìn gia pháp, lấy đạo hiếu để lập công. Ấy là con hiền cháu thảo của ta… Các ngươi hãy cùng nhau ghi nhớ lời dạy này của ta, không được quên !…”.

(Trích Di huấn của Cương quốc công Nguyễn Xí khắc trên bia đá dựng tại Quốc Công Linh Từ, xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An).

 

Comments on social media
THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Mỗi dân tộc, có một nền tảng đạo lý căn bản của sự tồn tại. Chính nền tảng đạo lý đó tạo ra bản sắc văn hóa của dân tộc. Cái Đạo dân tộc thường xuyên thấm nhuần sâu sắc trong cái Lý căn bản của hệ thống pháp luật. Cả hai phương diện Đạo và Lý đó đều phải được xử lý sâu sắc và nhuần nhuyễn trong mọi vấn đề của TTATXH để có một xã hội ổn định và phát triển..