VIỆN NGHIÊN CỨU & BẢO TỒN VĂN HÓA


Hội thảo khoa học “Hoàng giáp Thượng thư Lê Tuấn và dòng họ Lê Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước”

Ngày đăng: 29/04/2024Xem:

680

Hoàng Giáp Thượng Thư Lê Tuấn sinh năm Mậu Dần (1818), tại làng Mỹ Lụ, tổng Hà Trung, huyện Hà Hoa, nay là xóm Thanh Sơn, xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, thuở nhỏ, Ông nổi tiếng là người thông minh, hiếu học, đậu Tú tài năm 1842, đậu Cử nhân năm 1851. Tại kỳ thi Đình năm Quý Sửu (1853), niên hiệu Tự Đức thứ 7, Lê Tuấn đỗ Nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp).


Trong nhiều thăng trầm của lịch sử Việt Nam, thời nhà Nguyễn, thế kỷ 19, Lê Tuấn là quan đại thần có tiếng thanh liêm, tài đức vẹn toàn, được nhà vua yêu trọng, tin tưởng và cất nhắc làm quan từ Tri phủ lên đến Thượng thư, 2 lần làm Chánh sứ đi Trung Hoa và Pháp, nhiều lần được giao giải quyết các công việc hệ trọng và phức tạp của đất nước như đánh dẹp thổ phỉ ở vùng biên giới phía Bắc, dẹp nạn cướp biển, thương thuyết thông thương buôn bán ở Bắc kỳ, đạc điền ở những vùng đất tranh chấp…, khơi thông đường thủy từ Huế ra Bắc, trong đó có việc mở rộng, khơi sâu kênh nhà Lê qua các tỉnh Trung bộ, phục vụ cho phát triển kinh tế và vận tải quân sự. 


PGS.TS Nguyễn Tất Thắng - Giảng viên khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Huế) trình bày tham luận: Hoàng giáp Thượng thư Lê Tuấn - Người làm rạng danh truyền thống khoa bảng của vùng đất Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Trong suốt hơn 20 năm làm quan trong triều, ngoài trấn, dù ở bất cứ cương vị nào, Lê Tuấn đều tận tâm, tận lực với công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ngoài việc thực thi các nhiệm vụ của triều đình giao, ông còn trực tiếp biên soạn 2 tác phẩm nổi tiếng là “Yên thiều bút lục” và “Như Thanh nhật ký”, ông cũng là người là người tham gia thực hiện bộ sử đồ sộ “Đại Nam thực lục chính biên” trong thời kỳ làm Phó tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn. Các tác phẩm trên nay vẫn còn được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Đặc biệt là bộ quốc sử “Đại Nam thực lục chính biên” đã ghi dấu ấn vào lịch sử như một bộ quốc sử lớn nhất của Việt Nam thời phong kiến, vì giá trị của nó không chỉ là giá trị di sản quý giá của Việt Nam mà còn là ký ức của nhân loại đã được ghi vào bộ nhớ của thế giới. Do có nhiều công lao với đất nước, ông đã được nhà Vua trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Ông qua đời vào ngày 17/03/1874, do lâm bệnh nặng trong khi đang làm nhiệm vụ đàm phán với đại diện chính phủ Pháp về Hòa ước Giáp Tuất, hưởng thọ 57 tuổi. 

Nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của ông (17/3/1874-17/3/2024), sáng 16/3/2024, tại trung tâm văn hóa huyện Kỳ Anh, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện Kỳ Anh phối hợp với dòng họ Lê Kỳ Anh tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàng giáp, Thượng thư Lê Tuấn và dòng họ Lê Kỳ Anh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước”.

Hội thảo nhằm tôn vinh, khẳng định những đóng góp to lớn của Hoàng giáp, Thượng thư Lê Tuấn và dòng họ Lê Kỳ Anh trong sự nghiệp đấu tranh chống lại sự xâm lược của thực dân đế quốc, bảo vệ chủ quyền độc lập của dân tộc thế kỷ 19, góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao niềm tự hào dân tộc, khơi dậy, phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức tự cường, tự tôn dân tộc trong thời đại hội nhập phát triển, tạo nên nguồn lực nội sinh thúc đẩy tỉnh Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh nói riêng thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.



Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Viện Nghiên cứu Bảo tồn Văn hóa, Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Tĩnh, đại diện lãnh đạo huyện Kỳ Anh, Thị xã Kỳ Anh, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử trong cả nước và đại diện dòng họ Lê Kỳ Anh.

Tại Hội thảo có hơn 20 báo cáo tham luận của các nhà khoa học ở Viện Sử học; Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Khoa học Huế, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Hà Tĩnh, Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Sở VH- TT& DL Hà Tĩnh, Bảo tàng Hà Tĩnh, Trường Chính trị Trần phú, Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo Tồn di tích Cố đô Huế, Hội Phật giáo Thừa Thiên Huế, Trường THPH Lê Quảng Chí, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ngoài ra còn có các bài tham luận của dòng họ Lê huyện Kỳ anh và xã Kỳ Văn. Các báo cáo tham luận tham gia hội thảo là những công trình nghiên cứu khoa học công phu, với nhiều tư liệu phong phú, xác thực, đã tái hiện và đánh giá một cách khách quan, trung thực về những sự kiện lịch sử đã diễn ra trong quá khứ để tập trung giải quyết những vấn đề thuộc chủ đề chính được nêu ra tại Hội thảo là: Hoàng Giáp, Thượng thư Lê Tuấn và dòng họ Lê Kỳ Anh trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.


 Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Thắng - Phó Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh Báo cáo đề dẫn hội thảo.

Trong Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Đại tá thạc sỹ Nguyễn Trọng Thắng - Phó Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh đã khẳng định: Lê Tuấn đã làm rạng danh truyền thống khoa bảng của quê hương. Cuộc đời và sự nghiệp khoa cử, hoạn lộ của ông thực sự tiêu biểu cho truyền thống cần cù, hiếu học, ý chí vươn lên mạnh mẽ của người dân Hà Tĩnh và nhân dân Kỳ Anh từ xa xưa. Những cống hiến của ông không chỉ để lại ơn đức cho nhân dân, mà tấm gương hiếu học, ý chí quật khởi cùng tấm lòng vì nước vì dân của ông mãi mãi còn toả sáng trên mọi miền quê hương, đất nước. Sự tôn vinh, ngưỡng mộ dành cho Hoàng giáp Lê Tuấn của Triều đình Nhà Nguyễn và nhân dân không chỉ xuất phát từ những công lao đóng góp của ông mà chính là từ những phấm chất đạo đức cao đẹp của ông với nhân dân, với đất nước.  


  



Các tham luận đã tập trung làm rõ hơn thân thế, sự nghiệp và công lao đóng góp của Hoàng giáp Thượng thư Lê Tuấn trong thực thi các nhiệm vụ triều đình giao, nhất là trên lĩnh vực chính trị, quân sự và ngoại giao. Đồng thời, nêu bật những đóng góp của dòng họ Lê Kỳ Anh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng quê hương đất nước... Qua Hội thảo đã cung cấp thêm nhiều nguồn tư liệu quý báu để hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử cụ thể của đất nước, phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu lịch sử địa phương, góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao niềm tự hào dân tộc, tự hào quê hương, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa và truyền thống yêu nước cho các thế mai sau.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Comments on social media
THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Mỗi dân tộc, có một nền tảng đạo lý căn bản của sự tồn tại. Chính nền tảng đạo lý đó tạo ra bản sắc văn hóa của dân tộc. Cái Đạo dân tộc thường xuyên thấm nhuần sâu sắc trong cái Lý căn bản của hệ thống pháp luật. Cả hai phương diện Đạo và Lý đó đều phải được xử lý sâu sắc và nhuần nhuyễn trong mọi vấn đề của TTATXH để có một xã hội ổn định và phát triển..