VIỆN NGHIÊN CỨU & BẢO TỒN VĂN HÓA


KHÔNG GIAN VĂN HÓA THỜ CÚNG CỦA NGƯỜI VIỆT NGHỆ

Ngày đăng: 27/04/2024Xem:

469

I. NHẬP ĐỀ Từ bao đời nay, người Việt trên vùng đất cổ Hoan Châu đã có câu ca căn dặn con cháu về việc cúng tế ông bà, tổ tiên. Chim có tổ, Người có tông, Cái cây có cội, con sông có nguồn. Đã sinh ra phận cháu con, Phải lo cúng tế vong hồn tổ tiên.

 I. NHẬP ĐỀ                                                                                                       

Từ bao đời nay, người Việt trên vùng đất cổ Hoan Châu đã có câu ca căn dặn con cháu về việc cúng tế ông bà, tổ tiên.                                                             

Chim có tổ, Người có tông,                                                  
Cái cây có cội, con sông có nguồn.                                       
Đã sinh ra phận cháu con,                                                      
Phải lo cúng tế vong hồn tổ tiên.

Trên thế giới, nhiều dân tộc có tục thờ cúng tổ tiên. Kể từ thời Bắc thuộcngoài yếu tố bản địa, tục thờ cúng gia tiên của người Việt chủ yếu chịu ảnh hưởng của của văn hóa Trung Quốc. Phong tục thờ cúng tổ tiên là truyền thống văn hoá tâm linh đã có từ lâu đời của người Việt Nam nói chung, người Việt Nghệ nói nói riêng. Việc thờ cúng tổ tiên được thực hành trong các dịp: Lễ, giỗ chạp, tết nhất… để con cháu dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức sinh thành dưỡng dục, tạo lập cơ nghiệp cho hậu thế của ông bà, cha mẹ và các bậc tiền nhân, giáo dục con cháu biết kính trọng hiếu đễ với tổ tiên, góp công sức đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây… Bên cạnh ý thức tiếp nối truyền thống, việc thờ cúng tổ tiên của người Việt còn là một tín ngưỡng, được bồi đắp thành Đạo thờ cúng tổ tiên thiêng liêng, với niềm tin rằng: tổ tiên ở thế giới bên kia luôn đồng hành cùng con cháu, luôn phù hộ, độ trì con cháu. Gắn với đạo Bụt (đạo Phật được dân gian hóa, Việt Nam hóa), người Việt thường tin tưởng rằng: con cháu biết hiếu kính với tiền nhân, sẽ được vong linh của tổ tiên ban phúc, ngược lại, kẻ nào bất hiếu, bất kính sẽ bị trừng phạt. Việc thực hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên là cầu nối liên kết các thế hệ và gìn giữ gia phong của gia đình, dòng họ, nuôi dưỡng nền văn hóa của cộng đồng. Vì vậy, không gian văn hóa thờ tự là tối cần thiết trong đời sống tinh thần của mọi gia đình người Việt Nghệ. Nhìn chung, không gian văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt Nghệ cũng như của người Việt ở các vùng đất khác có hai nơi chính: ban thờ gia tiênnhà thờ dòng họ (từ đường).

II. KHÔNG GIAN VĂN HÓA THỜ CÚNG TỔ TIÊN NGƯỜI VIỆT NGHỆ                 

1. Không gian văn hóa tâm linh thờ cúng tổ tiên thời xưa.                         

1.1. Ban thờ gia tiên.                                                                                  

Sở dĩ có nơi thờ gia tiên trong ngôi nhà của một gia đình người Việt là vì người xưa quan niệm rằng 五代埋神主 (Ngũ đại mai thần chủ), nghĩa là năm đời trở lên, kể từ đời người đang sống và đang giữ vai trò chấp sự (giữ việc cúng tế) thì đem chôn thần chủ. Từ 神主 (thần chủ), bài vị (tấm thẻ ghi họ tên, thụy hiệu, ngày tháng năm mất) của người đã quan đời, được đặt trong khám thờ. Thường tấm thẻ này được làm bằng gỗ nên người ta còn gọi là 木(mộc chủ). Như vậy, nói “ngũ đại” (năm đời) nhưng tính từ người chấp sự thì việc thờ cúng gia tiên là trong vòng 4 đời: cha mẹ, ông bà, cụ (cố), kỵ (can).                                       

Nhà ở của người Việt Nghệ, dù khang trang  nhiều gian, hai hồi có chái (phần đầu hồi nhà được kéo dài ra thành mái thấp hơn để đựng đồ đạc hoặc làm nơi nấu nướng, sinh hoạt) hay chỉ là một túp lều thì nơi đặt ban thờ cúng tổ tiên thường được gọi là “gian bảy”. Vì nhà của người Việt Nghệ xưa thường có ba gian với một hoặc hai chái và nơi đặt ban thờ là gian giữa nên nhiều người cho rằng gian bảy là gian giữa. Nhưng thực tế, dù nhà có hơn ba gian hoặc chỉ một gian thì nơi đặt ban thờ người ta vẫn gọi như vậy. Theo sự tìm hiểu của cá nhân tôi, thì “gian bảy” là nơi đặt ban thờ và thực hành nghi lễ cúng tế. Bởi tiếng “bảy” là do đọc chệch của âm “bái” Hán – Việt mà ra. Chữ Hán 拜 (bái) có nghĩa là  là vái lạy, động tác quan trọng nhất trong hệ thống nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Kết hợp với âm “gian” tạo thành từ “gian bảy”, được dùng theo cách hoán dụ để chỉ nơi thờ cúng.                                                                                              

Nhà khá giả, có gian thờ riêng, bàn thờ hoành tráng với đầy đủ các đồ tế khí theo thông lệ. Không như bây giờ, xưa kia, toàn bộ ban thờ và đồ tế khí đều làm bằng gỗ và sành sứ, không có linh kiện kim khí, kể cả cái đinh, cái chốt gắn các bộ phận làm thành mỗi đồ tế khí cũng làm bằng tre gỗ. Đó là do ảnh hưởng của quan niệm âm dương, ngũ hành mà ra. Đồ kim khí thuộc hành kim (dương) kỵ với âm hồn.                                                              

Nơi đặt bàn thờ gia tiên thường ở vị trí chính giữa gian thờ, trang trọng, sạch sẽ, kín đáo. Ban thờ thường có ba cấp. Cấp trên cùng, ở giữa đặt một bộ 家依 (gia y: nơi linh hồn của tổ tiên về ngự khi được cúng tế, tên Nôm là “ngai thờ”), có nơi còn gọi là 府依 (phủ ý: gọi một cách trang trọng nơi linh hồn tổ tiên nương tựa khi được mời về lúc giỗ, tết; tên Nôm là “ý thờ”). Gia đình nào, ngoài việc thờ cha mẹ, ông bà, tổ tiên trực hệ mà còn phải thờ các anh em, chú bác bị thất tự thì có hai bộ gia y nhỏ hơn đặt hai bên bộ lớn nhất ở giữa và đặt thấp hơn một bậc. Ngai thờ có hình dáng như chiếc ghế có tay dựa cao chặm rồng, lưng ghế hơi cong như ôm lấy lưng người, phía trên lưng ghế chạm lộng có phần tựa đầu hình mặt trời, ở giữa mặt nhật chạm nổi hình tròn có nét ký hiệu âm dương.  Ngai thờ tượng trưng cho chiếc ghế cao nhất để tổ tiên, ông bà có thể quan sát, chứng giám và phù hộ cho toàn bộ con cháu trong gia đình, dòng tộc. Cùng với quan niệm “trần sao âm vậy” người Việt qua bao đời vẫn duy trì tục lệ thờ cúng tổ tiên. Và ngai thờ được coi là vật linh thiêng, con cháu thể hiện sự tôn kính đối với người đã khuất. Mang ý nghĩa sâu sắc trong thờ cúng người Việt. Cấp thứ hai là nơi đặt mộc chủ. Trừ các bà cô ông mãnh (người không lập gia đình), mỗi người được thờ có một mộc chủ. Mộc chủ đặt theo thứ tự từ trên xuống: trên cùng là can (kỵ: ông và bà) rồi đến cố (cụ: ông và bà), ông bà, cha mẹ. Theo hướng từ ngoài nhìn vào thì bên phải là mộc chủ người đàn bà, bên trái là mộc chủ của người đàn ông. Cấp thứ ba có diện tích lớn nhất, là nơi đặt bát hương (nơi cắm hương đã đốt cháy), mâm, khay, đĩa, bình hoa, hạc, bình hương (đựng hương), đỉnh lạp.                                                                    

Ngoài gia y và mộc chủ, thì bát hương là đồ tế khí quan trọng thứ ba không thể thiếu trên mỗi ban thờ. Thường có một bát hương hương to đặt giữa, hai bên có bát hương nhỏ. Hai bên bát hương là các cặp đỉnh lạp, bình hoa – bình hương, có thể có hạc.                                              

Trở lên là nói về không gian thờ cúng trong một gia đình bậc trung ở xứ Nghệ xưa. Những gia đình giàu sang, quyền quý thì trong gian thờ có hẳn một khám thờ, ngoài đồ tế khí đầy đủ, sang đẹp ở trong khám thờ thì trên cửa võng khám thờ có hoành phi, hai bên khám có câu đối, cửa võng che mành trúc. Nhà nghèo thì ban thờ đơn sơ làm bằng một tấm ván gắn vào tường, vách, đồ tế khí có khi chỉ có mộc chủ làm bằng tấm tre không sơn, một cái khay đựng cỗ xôi con gà, hai cái đĩa đựng hoa quả, trầu cau và bát hương, đèn dầu.                    

Những gia đình khá giả trở lên rất chú trọng việc chọn gian thờ, bàn thờ theo thuật phong thủy. Kích thước ban thờ chuẩn thường nằm ở các cung cát tường theo thước Lỗ Ban như: Đăng Khoa, Tiến Bảo, Đại Cát, Tài Vượng. Kích thước được dùng phổ biến nhất là: Chiều cao 1,27m; chiều sâu 0,97m và chiều ngang 1,97m. Lựa chọn kích thước cho án gian thờ còn phụ thuộc vào diện tích phòng thờ. Nó phải đảm bảo được sự cân đối hài hòa với không gian thờ cúng cũng như với không gian sinh hoạt chung của mỗi gia đình. Nói chung, người Nghệ xưa linh động trong việc việc chọn kích thước ban thờ chuẩn, miễn sao phù hợp với căn nhà của mình. Kích thước cũng phải dựa trên các cung tốt của thước Lỗ Ban như đã đề cập ở trên.

Cụ thể, họ chọn nơi đặt ban thờ ở những chỗ thông thoáng, sạch sẽ, gọn gàng. Đặc biệt, họ tránh những điều tối kị sau:

-      Không đặt án gian thờ ngược hướng với hướng nhà

-      Không để án gian thờ xung với cửa.

-      Không đặt ban thờ gần những nơi ẩm thấp, đặc biệt tuyệt đối không bao giờ đặt cạnh nhà vệ sinh, nhà tắm.

-      Không đặt ban thờ dưới xà ngang, dầm nhà.

-      Không để đồ dưới ban thờ.

-      Không đặt ban thờ trong phòng ngủ.

-      Không đặt để ánh sáng mạnh có thế chiếu rọi vào ban thờ.

-      Không đặt gương hoặc những vật có khả năng phản chiếu vào ban thờ

Việc đặt ban thờ ở không gian trang trọng, sạch sẽ, kín đáo trong ngôi nhà của người Nghệ tạo nên cho họ sự an lòng, thành kính và trân trọng những giá trị tâm linh, giúp gia đình họ luôn cảm thấy bình an, ấm êm và hạnh phúc.               

1.2. Nhà thờ dòng họ (từ đường)   

Theo quy ước “ngũ đại mai thần chủ” thì đời thứ sáu trở lên (tính cả đời người đang chấp sự) là chôn bài vị, hay còn gọi là tống giỗ, dạ giỗ. Nghĩa là không còn giỗ các bậc này ở ban thờ gia tiên mà hợp tự họ trong từ đường. Vì thế, từ đường đối với gia tộc người Việt Nghệ vô cùng quan trọng. Tuy thành kính trước tiền nhân nhưng do đời sống kinh tế của người Nghệ xưa vốn nghèo khó nên việc thờ cúng gia tiên có thể sơ sài từ ban thờ đến mâm cỗ, nghi lễ. Song, đối với việc thờ cúng các bậc tổ tiên nơi từ đường luôn được họ chú trọng.        

Trước hết, về phong thủy, nơi xây cất từ đường, phải là nơi đất sạch cả về phần âm và phần dương. Hướng từ đường thường là hướng Nam, bởi theo quan niệm phong thủy đây là hướng lành, hướng sinh khí, hướng của thánh nhân, 聖人南面而聽天下 (Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ: Thánh nhân hướng về phương Nam để nghe tiếng thiên hạ). Tuy nhiên, cũng tùy vào từng trường hợp, nếu người đứng tên làm nhà thờ họ như trưởng tộc, cháu trai trưởng…. thì việc xem hướng nhà thờ còn kết hợp với hướng người đứng tên.          

Theo các nhà phong thủy nổi tiếng ở xứ Nghệ như Tả Ao, Nguyễn Quỳnh (thế kỷ XVII), Đông Hồ Lê Văn Diễn (thế kỷ XIX), thế đất xây nhà thờ họ tốt nhất theo quan niệm của người Việt Nghệ phải là vị trí có Long mạch; là nơi khí hội tụ, điểm giao nhau giữa Chu Tước của phía Nam, Thanh Long ở phía Đông, Huyền Vũ ở phía Bắc và Bạch Hổ ở phía Tây. Nền đất phía sau là Huyền Vũ phải cao hơn nền Chu Tước phía trước, nền đất Thanh Long bên trái phải cao hơn nền Bạch Hổ bên phải của nhà thờ họ. Chu Tước là biểu tượng của hướng Nam, mùa hè, màu đỏ và khí dương. Thế Chu Tước phải thấp hơn các thế còn lại nên sẽ thường là mặt trước của nhà thờ họ. Nếu nền đất phía trước không thấp lắm thì có thể dùng nguồn nước để thay thế vì đây cũng là biểu trưng khác của Chu Tước.                                  Kết hợp lại, Chu Tước, Huyền Vũ, Thanh Long , Bạch Hổ  tạo nên Long mạch của mảnh đất. Theo tưởng tượng, thế đất xây nhà thờ họ giống như một chiếc ghế bành. Thế Thanh Long và Bạch Hổ tượng trưng cho hai tay vịn của ghế, thế Kim Quy tượng trung cho lưng ghế và thế Chu Tước tượng trưng cho chiếc ghế con dùng để chân. Vị trí đẹp nhất để xây nhà thờ họ nằm ở giữa, đó là mặt ghế. Theo các nhà phong thủy nói trên, thế Thanh Long và Bạch Hổ bảo vệ Long mạch giống như đôi bàn tay bảo vệ con người. Tuy vậy, trên một địa thế bằng phẳng vẫn có thể tạo ra thế “tứ linh” cho ngôi nhà. Ví dụ xung quanh nhà thờ họ đều có nhà hàng xóm. Từ trong nhà nhìn ra, những nhà hàng xóm này tượng trưng cho Thanh Long ở bên trái và Bạch Hổ ở bên phải. Để xác định bên nào là Thanh Long – Bạch Hổ thì các nhà phong thủy nói trên căn cứ vào:         

– Quy mô ngôi nhà bên nào to và đồ sộ hơn thì phía bên đó là Thanh Long.                                                                                                                      

– Vị trí của từng ngôi nhà nào gần với nhà bạn thì là mạnh hơn.                        

– Mật độ nhà bên nào nhiêu nhà hơn thì là bên đó mạnh hơn.           

Ngôi nhà đỡ phía sau nhà thờ họ có thể đem đến sự bảo vệ an toàn cho ngôi nhà, nhưng nó không được lấn át nhà thờ họ cùa bạn. Ngoài ra, ngôi nhà đỡ sau này không được cản ánh nắng mặt trời. Cây cối, hàng rào, bụi cây hay thậm chí là tường rào là những vật có thể thay thế cho các thế đất và nhà để thực hiện vai trò của “tứ linh”. Nếu nhà thờ họ sau lưng là mảnh đất trống thì có thể trồng vườn cây hay hàng rào, tường rào để bảo vệ phía sau lưng.                                     

Về kiến trúc, từ đường của người Việt Nghệ thường làm theo kiểu chữ (nhị),bao gồm thượng điện và bái đường; hoặc giả đơn giản hơn là chữ (nhất), thượng điện gồm cả ban thờ và nơi hành lễ.                                                 

Bài trí trong từ đường tùy mức độ giàu nghèo của từng dòng họ. Thượng điện thường có ba ban thờ, một ban thờ công đồng (thờ chung)đặt giữa. Hai bên có hai ban thờ các nhánh. Nếu trong dòng họ có những nhân vật được triều đình ban sắc mà không được lập điện thờ riêng thì trong thượng điện của từ đường có thêm một ban thờ phụ để thờ những người này. Bài trí trên mỗi ban thờ, về cơ bản cũng giống ban thờ gia tiên. Dù có bái đường hay không thì phía trước sân có tắc môn, cổng có cột nanh. 

Tựu trung, trong không gian văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt Nghệ, thông thường, từ đường và việc thờ cúng tại từ đường luôn được coi trọng. Bởi trong một cộng đồng sống trên mảnh đất khó khăn, nghèo đói như người Việt Nghệ, vai trò của dòng họ và sự đoàn kết trong cộng đồng họ tộc là sự bảo hiểm, là sức mạnh sinh tồn của họ.                                        

2. Không gian thờ cúng tổ tiên ngày nay.                                                  

2.1. Về phong thủy, đối với số đông người Việt Nghệ ngày nay, việc xây cấttừ đường hoặc bài trí bàn thờ gia tiên ít được chú trọng và tuân theo một cách nghiêm ngặt. Đối với một số ít giàu sang thì rất quan tâm đến phong thủy nhưng do lai căng, hỗn tạp về quan niệm phong thủy nên không mấy gia đình có được ban thờ gia tiên đúng kiểu cách cổ truyền hoặc các dòng họ chọn được kiểu đất đẹp, phù hợp với việc xây dựng từ đường.                                    

2.2.Về bài trí ban thờ cũng do tình trạng lai căng nên ngoài những đồ tế khí bằng gỗ, người ta dùng nhiều đồ tế khí bằng kim loại,mica, gương kính,…nên có sự phản xạ ánh sáng rất mạnh, do đó, ảnh hướng xấu đến phong thủy.                                     

III. KẾT LUẬN                                                                                                 

Nói tóm lại, do môi trường sống tự nhiên và xã hội rất khắc nghiệt của người Việt Nghệ xưa nên môi trường tâm linh có một vai trò cực kỳ quan trọng đối với họ. Vì vậy,trong môi trường tâm linh đó, không gian văn hóa thờ cúng tổ tiên là yếu tố hàng đầu. Việc thiết đặt ban thờ gia tiên cũng như từ đường họ tộc luôn được người Việt Nghệ linh động theo hoàn cảnh sinh hoạt thực tế nhưng bao giờ cũng tuân theo những quy định cốt yếu của thuật phong thủy.

Ngày nay, do sự giao lưu văn hóa được mở rộng, việc thờ cúng tổ tiên có rất nhiều thay đổi từ không gian văn hóa đến lễ nghi. Nhiều thay đổi đã cho thấy sự lệch lạc phi văn hóa. Vì vậy, nhiệm vụ của ngành văn hóa, bộ môn văn hóa học, trong đó có bộ môn kiến trúc phong thủy phải có sự nỗ lực góp phần điều chỉnh sự lệch lạc, vãn hồi sự xuống cấp về văn hóa mà hiện nay nhiều diễn đàn đang lên tiếng báo động.

Comments on social media
THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

THẤM NHUẦN LÝ VÀ ĐẠO TRONG BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI VÌ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Mỗi dân tộc, có một nền tảng đạo lý căn bản của sự tồn tại. Chính nền tảng đạo lý đó tạo ra bản sắc văn hóa của dân tộc. Cái Đạo dân tộc thường xuyên thấm nhuần sâu sắc trong cái Lý căn bản của hệ thống pháp luật. Cả hai phương diện Đạo và Lý đó đều phải được xử lý sâu sắc và nhuần nhuyễn trong mọi vấn đề của TTATXH để có một xã hội ổn định và phát triển..